(SGTT) - Tình hình thời tiết nắng nóng liên tục như hiện nay kéo theo cơ thể dễ mất một lượng nước lớn. Nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Nếu bạn chưa biết cách cung cấp nước cũng như bổ sung dưỡng chất phù hợp, cơ thể sẽ dễ mắc các bệnh nguy hiểm.
- Vượt mốc 1.000 ca mắc, TPHCM nhận 800.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19
- Chỉ trong 6 giờ, TPHCM ghi nhận thêm 35 ca mắc Covid-19
- TPHCM: sáng 16-6 có thêm 20 ca, tính chuyện cách ly F1 tại nhà
Thời tiết nước ta vào mùa hè rất dễ khiến cho mọi người mắc các bệnh lý liên quan đến mất nước, điện giải do nắng nóng kèm theo mưa thất thường. Bên cạnh đó, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh mẽ. Những vấn đề sức khỏe trên đều có liên quan đến dinh dưỡng hoặc cần dinh dưỡng hỗ trợ để mau phục hồi.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có một vài trao đổi với bác sĩ Trịnh Thị Cẩm Tuyên, chuyên gia dinh dưỡng tại H&H Nutrition xoay quanh vấn đề này.
Thưa bác sĩ, những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến cơ thể chúng ta?
BS Trịnh Thị Cẩm Tuyên: Những đợt nắng nóng gay gắt trên khắp cả nước, có nơi cao đến 38-40 độ C khiến cho người dân dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như là mất nước, kiệt sức, say nắng, đột quỵ do nhiệt độ thay đổi thất thường hoặc làm việc quá lâu dưới nắng gắt.
Trong khi đó, nước chiếm một lượng lớn trong cơ thể và đóng góp nhiều vai trò quan trọng. Nước tuy không cung cấp năng lượng nhưng có vai trò tạo môi trường để chuyển hóa các chất và các phản ứng hóa học quan trọng. Nước tham gia quá trình bài tiết các chất ra khỏi cơ thể, điều hòa thân nhiệt, giảm độ đặc quánh của máu làm cho máu tuần hoàn dễ dàng.
Nhu cầu nước của một người dựa trên cân nặng và tuổi. Người 10-30 tuổi (lao động nặng) cần 40 ml nước/kg cân nặng; người từ 19 đến 55 tuổi hoạt động trung bình cần 35 ml nước/kg cân nặng, người trên 55 tuổi cần 30 ml nước/kg cân nặng.
Bên cạnh việc mất nước, cơ thể chúng ta sẽ mất các chất điện giải dưới nắng nóng quá lâu. Điện giải là các chất khoáng mang điện tích ở nồng độ hằng định để giữ sức khỏe ổn định. Chất điện giải duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng axit-bazơ, giúp các tế bào hoạt động ổn định, kích thích thần kinh-cơ, tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Trước những nguy cơ mất nước và các chất điện giải, chúng ta cần có chế độ ăn uống và bổ sung dưỡng chất như thế nào thưa bác sĩ?
Các thực phẩm giàu chất điện giải bao gồm rau lá xanh đậm, trái cây, nước uống có chứa ion, thức uống dành riêng cho người tập thể thao, nước dừa, sữa.
Chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu nước và 500g rau xanh trái cây thì sẽ cung cấp đủ điện giải cho người khỏe mạnh. Những người có vấn đề sức khỏe như tiêu chảy, rối loạn điện giải buộc phải cung cấp nhiều chất điện giải hơn người bình thường để bù lại các thiếu hụt điện giải sẵn có.
Trong thời tiết nắng nóng gay gắt, mọi người nên hạn chế ra ngoài trời nắng, thời gian từ 9:00 đến 16:00. Khi cần làm việc thời gian dài dưới nắng nóng, chúng ta cần phải có thời gian nghỉ ngơi trong bóng râm và uống đủ nước, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi. Tốt nhất, bạn nên mang theo nước bên người, uống đủ nước kể cả lúc không khát và phải uống đủ nhu cầu nước như trên. Đặc biệt, ta không nên uống các loại nước ngọt có ga, nước chứa nhiều đường vì có thể làm cho tình trạng thiếu nước trong tế bào trầm trọng hơn.
Đối với trẻ em, mùa nóng rất dễ nổi sởi hoặc thủy đậu. Phụ huynh cần lưu ý gì khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sởi, hoặc thủy đậu?
Sởi và thủy đậu đều là hai bệnh lý lành tính thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn non nớt. Khi mắc các bệnh lý truyền nhiễm do virus gây ra, trẻ thường sốt, mệt mỏi và biếng ăn. Một khi dinh dưỡng bị suy giảm, sức đề kháng của trẻ ít nhiều bị giảm sút và dễ dàng mắc thêm các bệnh lý khác. Chính vì vậy, dinh dưỡng bổ sung cho trẻ trong giai đoạn này là cần thiết để trẻ đủ sức chống chọi lại bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng chung cho bệnh sởi và thủy đậu ở trẻ em:
- Tăng cường đậm độ năng lượng cho thực phẩm ăn vào bằng cách nấu cháo đặc hơn, bổ sung thêm các loại sữa cao năng lượng hoặc pha sữa với nhiều bột hơn.
- Các loại rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp vitamin (C, B) và khoáng chất tự nhiên tăng cường miễn dịch rất tốt cho trẻ, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.
- Vitamin A: Theo hướng dẫn từ Bộ y tế, trẻ em bị sởi cần bổ sung vitamin A cao hơn bình thường. Bên cạnh thuốc kháng sinh, vitamin A có trong các thực phẩm như: gan động vật, cải bó xôi, cà rốt, ớt chuông,…
- Kẽm: Kẽm giúp vết thương nhanh lành, tăng cường miễn dịch, giúp trẻ ăn ngon miệng và phát triển xương răng chắc khỏe. Kẽm có nhiều trong lươn, hàu, tôm, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại cá, đậu nành, thực phẩm bổ sung kẽm.
- Men vi sinh: Thức uống dinh dưỡng lên men tự nhiên hoặc sữa chua đều bổ sung lợi khuẩn giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột và giúp loại bỏ hại khuẩn.
- Đảm bảo uống đủ lượng nước trong một ngày.
Lưu ý về chế độ ăn cho trẻ đang mắc bệnh sởi và thủy đậu
- Thêm 1-2 bữa ăn phụ trong ngày để tăng cường năng lượng. Khi trẻ khỏi bệnh, có thể duy trì những bữa phụ này đến khi cân nặng và chiều cao của trẻ đạt chuẩn.
- Nên chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
- Tránh đồ ăn chua cay kích thích niêm mạc miệng và dạy dày trẻ.
- Đa dạng thực phẩm để không bị ngán và kích thích vị giác.
- Trẻ 6-36 tháng tuổi định kỳ bổ sung vitamin A tại trạm y tế.