Những ngày vừa qua, TPHCM và các tỉnh thành phố ở Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, cả người lớn lẫn trẻ em đều đến khám các bệnh liên quan đến thời tiết, thậm chí có những trường hợp bị sốc nhiệt do hoạt động liên tục trong môi trường nắng nóng kéo dài.
- Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
- TPHCM: Hơn 90% ca nhập viện mắc bệnh nền, dự báo dịch Covid-19 tăng những ngày tới
Nắng nóng kéo dài khiến trẻ em nhập viện tăng cao
Trao đổi với KTSG Online, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết trong tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã ghi nhận số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao so với những tháng trước đó. Trẻ em đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và bệnh liên quan đến da do nắng nóng gây ra. Cụ thể, trung bình mỗi ngày có 600 trường hợp khám về bệnh lý hô hấp, 400 trường hợp về bệnh rối loạn tiêu hóa và từ 50-100 trường hợp gặp vấn đề về nhiễm trùng da rôm sảy.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), hơn một tháng gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.000 lượt bệnh nhi tới khám bệnh, tăng khoảng 300-500 ca mỗi ngày so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ trẻ em có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động từ 8-10%. Các trường hợp mắc bệnh về da thường điều trị ngoại trú; còn những bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa được nhập viện điều trị.
Nói về tình trạng sốc nhiệt ở trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho biết, ngày 4-5 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đã tiếp nhận một bé trai 14 tuổi bị sốc nhiệt do vận động quá sức trong nắng nóng. Cụ thể, sau khi chạy 10 vòng sân bóng đá trong trường học, bệnh nhi này bị vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu và ngất xỉu; sau đó được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, nồng độ oxy trong máu (SpO2) chỉ còn 70%. Sau 6 giờ điều trị tích cực, hiện sức khoẻ của bé trai này đã dần ổn định.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân Y 175 (TPHCM), không chỉ riêng trẻ em dễ bệnh trong mùa nắng nóng, người trưởng thành, thanh thiếu niên cũng dễ gặp các vấn đề về say nắng, sốc nhiệt. Đặc biệt, vừa qua đã có trường hợp sốc nhiệt nặng do lao động liên tục trong môi trường nắng nóng kéo dài, phải đưa vào viện cấp cứu.
Nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, nhiều người có thể bị mất nước qua hơi thở, đổ mồ hôi; thậm chí rơi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải. Trường hợp nặng hơn có thể bị sốc nhiệt. Sốc nhiệt cũng có thể xảy ra ở nhóm người lớn tuổi, người có vấn đề về sức khỏe, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, bác sĩ Công cho biết thêm.
Tránh sốc nhiệt, cần lưu ý những gì?
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, triệu chứng của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 40 độ C. Các triệu chứng thần kinh thường gặp là khó suy nghĩ rõ ràng, bị ảo giác, đi lại khó khăn, da ửng đỏ, nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút, yếu cơ, nhức đầu… Sau khi ra nắng, một người rơi vào tình trạng cơ thể quá nóng cũng có thể bị chuột rút, kiệt sức và ngất. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể hôn mê, co giật, nhịp tim đập nhanh.
Để tránh tình trạng sốc nhiệt ở trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến khuyến cáo vào mùa nắng nóng, phụ huynh nên cho trẻ mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt tránh hấp thu nhiệt. Trẻ em cần uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới nắng nóng và đội nón rộng vành khi đi ngoài trời.
Khi phát hiện trẻ em có các dấu hiệu như sốt, mệt, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy phân lỏng, phụ huynh không được chủ quan, phải đưa con đến cơ sở y tế gần nhất. Việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể không kiểm soát được sốt mà có thể khiến nhiệt độ cao hơn, dẫn đến sốc nhiệt.
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi thuộc Bệnh viện Quân Y 175, trời nắng gắt cũng ảnh hưởng gián tiếp đến những người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như huyết áp, tim mạch hay bệnh lý thần kinh. Thời tiết này khiến người bệnh dễ mệt mỏi, nóng trong người, mất nước, đổ nhiều mồ hôi, chán ăn… làm nghiêm trọng hơn các bệnh lý sẵn có.
Với tình hình như hiện nay, “người dân nên hạn chế ra đường trong những khung giờ nắng nóng cao điểm, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Nhà ở nên được bố trí hệ thống làm mát, điều hòa và không nên để nhiệt độ bên trong chênh lệch quá cao so với bên ngoài. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng nên ở mức 27-28 độ C”, bác sĩ Công khuyến cáo.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online