THÙY DUNG -
Nhiều ý kiến lo ngại, với mức đóng thấp như hiện nay mà số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) mỗi năm đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, nếu tăng mức đóng trên nền mới gồm lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác thì số nợ BHXH này có thể càng cao hơn.
Thêm đối tượng đóng BHXH bắt buộc
Cơ quan BHXH TPHCM tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHXH của các công ty trên địa bàn. Ảnh: BHXH TPHCM cung cấp
Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, nhiều đối tượng mới sẽ nằm trong nhóm những đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm cán bộ xã không chuyên trách và người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Hai đối tượng này sẽ đóng và hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, áp dụng ngay trong đầu năm 2016. Các đối tượng còn lại là người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn 1-3 tháng, và lao động là người nước ngoài sẽ áp dụng thực hiện bắt buộc vào năm 2018.
Bên cạnh việc áp dụng đối tượng mới vào nhóm bắt buộc tham gia BHXH, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng lên đáng kể. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, trong hai năm 2016-2017, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ là tiền lương và phụ cấp lương. Từ đầu năm 2018 trở đi, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), phụ cấp lương có hai loại: phụ cấp xác định trước và phụ cấp không xác định trước được mà phải căn cứ vào quá trình hoạt động của người lao động.
Do đó, sau khi tính toán hơn 50 loại phụ cấp và các khoản bổ sung của doanh nghiệp thì bộ đã quyết định chỉ những khoản nào là có tính chất đầu vào, cố định và có thể xác định được mới làm căn cứ đóng BHXH. Còn những khoản mang tính đầu ra, không xác định được thì sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH.
Bước thứ hai là đến năm 2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm tiền lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác. Theo bà Nga, các khoản bổ sung khác này cũng phải xác định được trước mới đưa vào tiền lương đóng BHXH. “Tôi khẳng định tiền xăng xe, đi lại, khen thưởng, thưởng sáng kiến, hỗ trợ gửi con, hỗ trợ có thân nhân chết, hỗ trợ sinh nhật, tai nạn lao động… sẽ không đưa vào đóng BHXH, và như vậy, không phải là đến năm 2018 sẽ đóng BHXH trên tổng thu nhập của người lao động”, bà Nga nói.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cách tính đóng BHXH dựa trên các yếu tố đầu vào sẽ làm giảm gánh nặng của doanh nghiệp hơn so với cách tính trên tổng thu nhập và nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng cách tính như vậy là có thể chấp nhận được. “Chúng ta phải đưa cơ cấu tiền lương về với giá trị thực của nó, tức phải chiếm 70% thu nhập, còn lại 30% là phụ cấp, trợ cấp. Chứ hiện nay lương chỉ chiếm 30% thu nhập là hoàn toàn vô lý”, ông Lợi nói.
[box type="download"] Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó giám đốc BHXH Việt Nam, ước năm 2015 có khoảng 12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 10,2 triệu người tham gia BHTN và khoảng 70 triệu người tham gia BHYT. Số thu của BHXH đạt khoảng 211.000 tỉ đồng, tăng 3,63% so với kế hoạch thu 198.000 tỉ đồng.
Về giải quyết chính sách BHXH, năm 2015 ước giải quyết 8,7 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, trong đó hàng tháng là 170.000 người và một lần là khoảng 660.000 người, thất nghiệp là 745.000 người và ốm đau thai sản là 42 triệu lượt người.[/box]
Sẽ có biện pháp với trốn đóng BHXH
Trên thực tế, khi tỷ lệ đóng BHXH còn thấp thì số nợ đóng BHXH đã rất lớn. Nếu như cuối năm 2014, tổng số nợ BHXH, BHYT (bảo hiểm y tế), BHTN (bảo hiểm thất nghiệp) là hơn 7.000 tỉ đồng thì con số mới nhất mà Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố tới ngày 28-12-2015 là 9.300 tỉ đồng.
Nhiều ý kiến lo ngại, với nền đóng thấp, chỉ cao hơn lương tối thiểu một chút mà số nợ bảo hiểm đã lên tới con số hàng ngàn tỉ đồng thì khi tăng mức đóng lên có thể các doanh nghiệp trốn đóng BHXH nhiều hơn. Như vậy, trong khi các doanh nghiệp đóng BHXH đàng hoàng cho người lao động thì ngày càng chịu áp lực về phí BHXH, còn doanh nghiệp làm ăn không tốt thì vẫn chây ì, nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho hay hiện nay công ty phải bỏ ra khoảng 30 tỉ đồng mỗi năm để đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 2.000 lao động. Việc tăng mức đóng hơn nữa sẽ gây khó khăn và giảm khả năng cạnh tranh của công ty khi chi phí sản xuất ở Việt Nam hiện đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Ấn Độ và Bangladesh.
“Thực tế, khi tăng mức đóng BHXH thì người lao động và doanh nghiệp cùng phải đóng cao hơn. Doanh nghiệp có xu hướng trốn đóng đã đành, người lao động cũng có xu hướng thỏa thuận ngầm với doanh nghiệp hoặc chuyển sang các doanh nghiệp trốn đóng BHXH để được hưởng mức lương cao hơn”, ông Dương lo ngại.
Về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam, cho hay sắp tới cơ quan BHXH sẽ có nhiều công cụ để xử lý vấn đề này và có thể hình sự hóa việc trốn, chậm đóng BHXH cho người lao động.
Theo ông Liệu, việc doanh nghiệp trốn, chậm đóng chính là chiếm dụng vốn của người lao động, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp khác, do đó, Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ thanh tra các doanh nghiệp đã đóng và chưa đóng BHXH, đồng thời sẽ phối hợp với cơ quan thuế để rà soát và chia sẻ thông tin giữa việc đóng BHXH của doanh nghiệp và quyết toán thuế.
“Chắc chắn sang năm 2016 chúng tôi sẽ có nhiều công cụ cùng cơ quan quản lý nhà nước khác để rà soát đơn vị nào không hoặc chậm thực hiện đóng BHXH để kiến nghị xử phạt theo quy định của pháp luật”, ông Liệu nói.
Hơn nữa, từ ngày 1-7-2016, Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực, những hành vi như trốn đóng, chậm đóng, và giả mạo hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đều bị khởi tố hình sự.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, luật pháp có đủ chế tài, căn cứ để xử lý những doanh nghiệp cố tính không đóng BHXH. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính tuân thủ của doanh nghiệp, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan.
“Tôi nghĩ rằng về mặt quy định của pháp luật thì chúng ta đã quy định cụ thể nhưng không thể khắc phục triệt để nợ đọng. Hình sự hóa tội trốn đóng, chiếm dụng quỹ BHXH chỉ là hình thức răn đe. Quan trọng vẫn là tuyên truyền để người sử dụng lao động hiểu việc đóng góp cho người lao động chính là đà để doanh nghiệp phát triển. Thứ hai, người lao động phải xem chủ lao động đã thực hiện nghiêm chỉnh Quy định của pháp luật đối với mình hay chưa để có đề xuất, kiến nghị, khiếu kiện”, ông Lợi nói.