TRUNG CHÁNH -
Một thời rơm rạ sau vụ gặt được nông dân chất đống đốt bỏ, nhưng nay bỗng trở thành mặt hàng mua bán. Tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rơm rạ khô đang hút hàng, có giá hơn khi nhiều người tìm mua.
Mua một, bán sáu
Một người dân tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang vận chuyển rơm bằng máy cày ra xe tải để đưa đi tiêu thụ.
Thời gian gần đây, rơm khô tại khu vực Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp) bỗng trở nên hút hàng, được thương lái ở khắp mọi nơi tìm đến mua. Ông Nguyễn Văn Thành, một thương lái ngụ tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết ông đến tận huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (cách địa phương ông hơn 100 km) để tìm mua rơm khô vì nhu cầu của người dân ở địa phương ông và các tỉnh ven biển ĐBSCL – nơi bị hạn mặn gây hại nghiêm trọng – đang tăng lên nhanh.
“Hạn mặn quá chừng, lúa ở đây (đia phương ông) chết non hết rồi nên đâu còn rơm rạ gì nữa. Nguồn thức ăn cho bò ngày càng khan hiếm, nên tôi lên tận Long An mua rơm về bán lại”, ông Thành cho biết. Ngoài làm thức ăn cho bò, theo ông Thành, rơm còn được bà con nông dân dùng đậy các liếp rau để tránh nắng, giữ ẩm cho đất trong điều kiện nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm.
Thông tin tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các tỉnh/thành ĐBSCL về công tác phòng chống hạn mặn ngày 7-3 tại thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, cho biết toàn bộ diện tích lúa của địa phương gần như bị mất trắng vì hạn mặn. “Giải pháp ứng phó sắp tới của chúng tôi là sẽ bỏ một vụ lúa, chỉ sản xuất vụ đông xuân sớm và hè thu muộn thôi”, ông Hạo cho biết.
Theo ông Hạo, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của hạn mặn, bà con nông dân tại huyện Ba Tri đã bán bớt đàn bò vì thiếu nguồn thức ăn, khiến tổng đàn bò 150.000 con của địa phương giảm mạnh. Hiện nay, rơm khô được thương lái mua từ Đồng Tháp chở về đây bán lại cho nông dân có giá 15.000-30.000 đồng/bó.
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, lượng rơm của một héc ta lúa được thương lái mua tại ruộng khoảng 1 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với thời điểm cách đây khoảng hơn một tháng. Sau khi thương lái thuê máy cuộn rơm lại thành từng cuộn tròn và thuê xe tải chở về các tỉnh ven biển ĐBSCL để bán lại cho người dân thì rơm có giá 40.000-45.000 đồng/cuộn 14 kg. Như vậy, với mỗi héc ta đất canh tác lúa thu được khoảng hai tấn rơm, thương lái thu được 5,7-6,3 triệu đồng tiền bán rơm (chưa trừ chi phí thuê máy cuộn, nhân công và xe tải vận chuyển).
Xuất rơm qua Nhật
Thời gian gần đây, Nông trường sông Hậu đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) để xuất khẩu rơm sang quốc gia này. Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu, cho biết nông trường sẽ xuất khẩu rơm sang thị trường Nhật Bản, sau đó thực hiện một dự án nuôi bò bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Nông trường sông Hậu.
Để thực hiện dự án này, hai bên đã thống nhất thỏa thuận là J-BIX sẽ cử chuyên gia sang Nông trường sông Hậu để tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở đây về quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm. Đồng thời, phía Nhật Bản cũng sẽ cung cấp các thiết bị công nghệ tiên tiến cho nông trường để thu gom rơm và chế biến thành thức ăn cho bò để xuất khẩu sang quốc gia này.
Tại buổi ký kết, ông Yutaka Aoyama, Giám đốc của J-BIX, cho biết nhu cầu nhập khẩu rơm hàng năm của Nhật Bản là khoảng 220.000 tấn, trong đó Trung Quốc cung cấp khoảng 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện Nhật Bản đã ngưng nhập khẩu rơm từ Trung Quốc vì phát hiện trong rơm có vi khuẩn nên không được phép nhập tiếp.
Việc xuất khẩu rơm sang Nhật Bản được xem là cơ hội để gia tăng thu nhập cho nông dân của nông trường nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Thông thường, sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ sẽ được bà con nông dân đốt bỏ hoặc cày vùi vào trong đất ruộng.