PHÚ LÂM -
Thú chơi điều khiển các loại máy bay mô hình đang phát triển khá mạnh tại TPHCM, nhưng để thực hiện các chuyến bay cho mô hình bay này bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng. Một số người chơi chuyên nghiệp cho biết hiện có nhiều người chơi không hiểu hoặc không quan tâm rằng muốn bay phải xin phép. Còn về mặt thị trường, việc mua bán, trao đổi loại mô hình bay này vẫn diễn ra sôi nổi.
Có cầu thì có cung
Tại các cửa hàng kinh doanh, với tầm giá chỉ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, khách hàng có thể sở hữu một mô hình bay ưng ý từ mẫu drone/quadcopter nhiều cánh quạt lên thẳng (chạy bằng pin li-ion và điều khiển bằng sóng vô tuyến) cho đến loại chạy bằng xăng (mô phỏng máy bay quân sự). Tuy nhiên, đây chỉ là những mẫu nhỏ, khả năng bay không xa, không cao. Nếu muốn chuyên nghiệp hơn, người mua có thể chi ra hàng chục triệu đồng để mua những loại mô hình bay bốn cánh quạt, có thể mang khối lượng hàng hóa (máy quay, máy chụp hình) nặng khoảng 1 kg. Các loại này có thể được bán tại cửa hàng hoặc rao bán trên các trang mạng, các diễn đàn.
Tại một cửa hàng chuyên về phụ tùng cho thiết bị bay ở đường Lý Thái Tổ (quận 10), nhân viên bán hàng cho biết, loại thiết bị có gắn camera thực ra khó điều khiển hơn. Đối với những người đã thành thạo, họ có thể tự lắp ráp mô hình rồi tới đây mua động cơ, phụ tùng gắn vào. “Trong không gian chật hẹp của thành phố, khách hàng vẫn chuộng loại máy bay lên thẳng có gắn thiết bị ghi hình”, nhân viên này nói.
Tại cửa hàng LuanAir trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), những dòng máy bay điều khiển từ xa loại cánh bằng (kiểu dáng mô hình như máy bay quân sự) được bày bán khá phong phú. Nhân viên ở đây cho biết hàng vẫn được đặt mua và vẫn gửi đi các tỉnh. Là một khách hàng của cửa hàng này, ông Thảo, một người chơi mô hình bay, cho rằng điều quan trọng là người chơi phải chọn những sân chơi đã được cấp phép theo quy định. Theo ông, hội chơi thiết bị bay của ông hoạt động ở khu vực xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh đã có giấy phép của cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng nên không việc gì phải ngại.
[box] - Theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ, trong các loại mô hình bay có bao gồm cả các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng nguồn năng lượng bằng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn.
- Khi thực hiện các chuyến bay của các loại mô hình bay phải có sự cho phép của Cục Tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng.
- Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.[/box]
Chơi có nơi có chỗ
Trên thực tế, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, những loại thiết bị bay này vẫn phát triển và tại một đô thị lớn như TPHCM, không quá hiếm để thấy những thiết bị này bay “rào rào” không chỉ trong những sự kiện mà còn từ những cá nhân, hội nhóm chụp ảnh, quay phim.
Đề cập đến quy định quản lý và sử dụng mô hình bay, anh Nam Hà, thành viên Câu lạc bộ RC Tiger (sinh hoạt ở quận 12), cho biết do nhiều nhóm hoạt động kém hiệu quả, không có sân chơi đúng nghĩa, người chơi thì không thích bị quản lý nên mạnh ai nấy chơi, chơi tự do là chính. “Việc thắt chặt quy định quản lý như thế là cần thiết vì không phải ai mới mua thiết bị về cũng có thể tự mình điều khiển được ngay. Ở nơi đông người như khu dân cư, nếu tự nhiên ở đâu trên trời rơi xuống một “cái con gì” nặng cả ký, ai chẳng hoảng?”, anh Hà nói.
[box] Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, cấp phép quản lý đối với các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ, được quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ.[/box]
Anh Hà nói thêm rằng mô hình bay gắn máy quay phim, máy chụp ảnh thường được gọi là flycam. Theo cách nghĩ chung thì “fly” có nghĩa là bay, còn “cam” được viết tắt từ camera. Nhưng thật ra ở thị trường nước ngoài, “flycam” không phải là một từ thông dụng để gọi tên loại thiết bị kể trên. Họ dùng từ “drone” hay tên gọi chính thức là “Unmanned Aerial Vehicle” (UAV) có nghĩa là máy bay không người lái. “Mô hình trực thăng hay máy bay cánh bằng, thiết bị bay đều phải có giấy phép mới được bay”, anh Hà nói.
Khác với câu lạc bộ chuyên nghiệp của anh Hà, chị Lan, chủ cửa hàng đồ chơi điều khiển từ xa trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), cho rằng chỉ có các loại máy bay cánh bằng, sử dụng động cơ lớn hoặc dùng xăng mới phải xin phép. “Cửa hàng này chỉ bán các loại máy bay lên thẳng, điều khiển trong khuôn viên nhỏ hẹp như ở công viên, trong nhà thì không cần”, chị Lan nói.
Cũng lập luận tương tự, người quản lý của một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), cho biết khách hàng vẫn đặt mua các loại máy bay lên thẳng mà không nghi ngại gì. Cả trẻ em lẫn người già đều mua. “Mà nếu có xin phép, tôi cũng không rõ phải xin phép như thế nào. Các mặt hàng ở đây vẫn tiến hành đăng ký kinh doanh bình thường”, người này nói.
Theo anh Hà của Câu lạc bộ RC Tiger, hiện tại ở TPHCM chỉ có 4-5 sân bay dành cho người chơi RC (Radio Controlled – mô hình bay có điều khiển) được cấp giấy phép. “Đây là môn chơi nhạy cảm, tốt nhất là anh em vui chơi lành mạnh, bay an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến cư dân. Có giấy phép mà mất an toàn thì 10 cái giấy như vậy cũng như không”, anh Hà nói.