(SGTT) - Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn có nhiều chuyển biến, tạo ra nhiều dấu ấn trong năm 2020. Dưới đây là 5 dấu ấn công nghệ trong năm vừa qua, do Sài Gòn Tiếp Thị chọn lọc.
- Trải nghiệm tốc độ mạng 5G Vinaphone tại Hà Nội, TPHCM
- Bộ Y tế đưa ra 9 biện pháp mới nhất để phòng Covid-19
Ứng dụng công nghệ Bluezone hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Sự kiện nổi bật, ấn tượng đầu tiên về công nghệ trong năm 2020 là việc các bộ, ngành, doanh nghiệp đã chung tay xây dựng phần mềm bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 mang tên Bluezone.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã đặt ra nhiều thách thức cho xã hội. Đó là vấn đề giảm tải, tránh tập trung đông người ở bệnh viện để giảm nguy cơ lây nhiễm; trang bị cho người dân công cụ để tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng; khi xuất hiện ca lây nhiễm mới, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định và thông báo cho những người tiếp xúc gần về nguy cơ lây nhiễm. Giải quyết bài toán này có thể dựa vào công nghệ
Sản phẩm này là tập hợp được trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV. Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone.
Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).
Tính đến nay đã có hơn 23,7 triệu lượt cài đặt ứng dụng Bluezone trên khắp cả nước. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loạt bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.
Mạng 5G phát sóng, cung cấp các dịch vụ
Một sự kiện quan trọng và nổi bật nhất của thị trường viễn thông Việt Nam trong năm 2020 là việc các nhà mạng đã chính thức phát sóng 5G và thử nghiệm thương mại hóa cho người dùng, doanh nghiệp.
Vào đầu năm 2019 các nhà mạng Việt Nam được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G, và tháng 5-2019 Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam.
Đến tháng 3 và 4-2020 MobiFone, VNPT VinaPhone lần lượt thử nghiệm thành công mạng 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải phát sóng và thử nghiệm thương mại hóa dịch vụ 5G ngay trong năm 2020 để cung cấp cho người dùng, doanh nghiệp.
Đến ngày 30-11-2020 nhà mạng Viettel đã chính thức phát sóng, thử nghiệm thương mại hóa dịch vụ 5G Viettel. Tiếp đó đến ngày 19-12 đến lượt nhà mạng VNPT VinaPhone phát sóng, cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G của mình. Đến ngày 28-12 đến lượt nhà mạng MobiFone phát sóng, cung cấp thử nghiệm các dịch vụ 5G.
Và đến ngày 31-12-2020 cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone đã thử nghiệm phát sóng 5G tại Thủ Đức. Như vậy cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai phát sóng và cung cấp thử nghiệm các dịch vụ 5G cho người dân, doanh nghiệp tại các Hà Nội và TPHCM.
Các nhà mạng sẽ cung cấp các dịch vụ 5G cho người dùng, doanh nghiệp gồm có công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), điều khiển robot, xem video chất lượng 8K trên các TV của Samsung và LG, điều khiển robot thông qua 5G với sự chính xác tuyệt đối, kết nối Internet trong nhà thông qua 5G,…
Các nhà sản xuất smartphone cũng đã lần lượt bán ra các điện thoại có 5G cho người dùng Việt Nam sử dụng gồm có Nokia 8.3 5G, Asus ROG Phone 3, Oppo Find X2 và Find X2 Pro, Huawei P40 Pro, Xiaomi Mi 10T Pro 5G, Samsung Galaxy Note 20 Ultra 5G.
Doanh nghiệp công nghệ “rầm rộ” trình làng sản phẩm chuyển đổi số
Một sự kiện nổi bật khác trên thị trường công nghệ 2020 là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiên đưa Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030.
Theo chương trình này trong năm 2020 vừa qua đã có đến 38 nền tảng số (phần mềm, ứng dụng, giải pháp…) do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam xây dựng và triển khai để cung cấp ra thị trường theo chiến lược “Make in Vietnam” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai. Thông qua chiến lược “Make in Vietnam”, Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các sản phẩm “Make in Vietnam” tiêu biểu có thể kể đến gồm nền tảng khai phá dữ liệu Viettel Data Mining Platform của Viettel là nền tảng ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói, các thuật toán khai phá dữ liệu, đồng thời kết hợp với kiến thức ngành chuyên sâu như: Marketing, Quản lý tài sản, Tài chính, Quản lý rủi ro,… Để giúp doanh nghiệp khai phá dữ liệu, tìm ra những vấn đề để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định nhằm cải thiện kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí, kiểm soát rủi ro,…
Nền tảng akaBot của FPT tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho doanh nghiệp với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn. Nền tảng định danh điện tử eKyc của VNPT giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Nền tảng được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ 4.0 mũi nhọn như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và nhận dạng sinh trắc học (Biometric Recognition)…
Các hoạt động dịch vụ, kinh doanh,… đều lên trực tuyến
Khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã tiến hành các biện pháp như giới nghiêm, phong tỏa, giãn cách xã hội… để phòng chống dịch. Do đó tất cả các hoạt động như làm việc, mua bán, học hành… đều chuyển lên trực tuyến. Tại Việt Nam nổi bật nhất là các hoạt động như mua bán hàng, giao dịch trên ĐTDĐ, thanh toán trực tuyến,… đều bùng nổ.
Một khảo sát mới nhất của Nielsen đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020 cho thấy trong năm 2020 số người tiêu dùng mua sắm online tăng lên 25%, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%. Trong số đó, có 55% thực hiện mua sắm qua các ứng dụng di động (mobile app).
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8-2020, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 981% và 794% so với cùng kỳ năm 2016. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ vượt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị 4,9 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2020 các hoạt động như dạy học, hội họp,… của giới văn phòng, công chức, học sinh sinh viên tại Việt Nam cũng đều được chuyển lên trực tuyến. Ứng dụng được nhiều người Việt sử dụng nhiều nhất là Zoom, bên cạnh đó các ứng dụng “nội” như Zalo cũng nhanh chóng mở tính năng họp trực tuyến và đã thu hút không ít người dùng. Zalo cũng đã ra mắt Zavi ứng dụng chuyên dành cho hội họp trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dùng trong nước.
Bên cạnh đó mua sắm trực tuyến tăng vọt cũng khiến cho thị trường thương mai điện tử tăng trưởng vượt bậc. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỉ USD.
Bphone, Vsmart, Viettel làm điện thoại giá rẻ, phổ cập 4G
Một sự kiện thú vị, nổi bật trên thị trường công nghệ 2020 là việc nhiều hãng điện thoại Việt tham gia vào việc sản xuất các sản phẩm giá rẻ, phổ cập 4G. Sau khi không đạt được thành công với chiến lược ban đầu đó là tiến vào phân khúc tầm trung, cận cao cấp, năm nay BKAV đã thay đổi khi ra mắt dải sản phẩm gồm 4 thiết bị Bphone trải dài từ giá rẻ tới cận cao cấp.
Chiếc điện thoại Bphone rẻ nhất là B40 với mức giá chỉ từ 5,49 triệu đồng và cao nhất là Bphone B86s có giá 9,99 triệu đồng. Với phổ giá rộng và lối thiết kế phổ thông, chỉnh chu hơn so với các thế hệ trước, Bphone năm nay đã được cộng đồng người dùng đánh giá cao.
Song song với việc làm chủ được công nghệ 5G, Việt Nam cũng đã rục rịch chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G. Theo lộ trình, đến quí 1-2022 sóng viễn thông 2G sẽ bị tắt hoàn toàn, khi ấy những chiếc điện thoại cơ bản sẽ không thể sử dụng được.
Theo thông tin từ nghiên cứu thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam năm 2020 đạt 44,9% (10 người thì có 4,5 người sử dụng điện thoại thông minh). Các sản phẩm giá rẻ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập điện thoại thông minh, làm cơ sở cho việc tắt sóng công nghệ cũ 2G trong thời gian tới.
Chánh Trung tổng hợp