Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Mỹ cảnh báo AI là mối rủi ro lớn đối với các thị trường tài chính

(SGTT) - Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng rộng rãi đang trở thành mối rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán, trái phiếu và các thị trường tài chính khác, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) của chính phủ Mỹ cảnh báo.
FSOC xác định AI đang trở thành mối rủi ro lớn cho các thị trường tài chính bao gồm chứng khoán. Ảnh: BBN Times

Báo cáo thường niên của FSOC, công bố hôm 14-12, lần đầu tiên xác định AI là “ tổn thương mới nổi” trong tài chính. “AI có tiềm năng thúc đẩy sự đổi mới và tính hiệu quả, nhưng việc sử dụng công nghệ này trong các dịch vụ tài chính đòi hỏi sự triển khai và giám sát kỹ lưỡng để quản lý các rủi ro tiềm ẩn”, báo cáo cho hay.

FSOC, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cảnh báo, AI có thể gây ra một số rủi ro nhất định, bao gồm các lo ngại về an ninh mạng, rủi ro tuân thủ và các vấn đề về quyền riêng tư.

FSOC cũng bày tỏ lo ngại về “các yếu tố phức tạp” liên quan đến các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI. FSOC lưu ý, các công ty tài chính sử dụng AI có thể gây rủi ro về bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng và quyền riêng tư. Cơ quan này cho rằng, các mô hình AI có thể tạo ra các kết quả sai sót được gọi là “ảo tưởng”.

Một lo ngại khác đối với các nhà quản lý của FSOC là một số mô hình AI hoạt động như “hộp đen”, nghĩa là người bên ngoài không thể nắm bắt hoạt động bên trong của chúng. “Việc thiếu khả năng giải thích này có thể gây khó khăn cho việc đánh giá tính hợp lý về mặt khái niệm của hệ thống, làm tăng sự không chắc chắn về tính phù hợp và độ tin cậy của các mô hình AI”, FSOC cho biết.

Nói cách khác, nếu các ngân hàng đang dựa vào các mô hình AI bí ẩn, rất khó để hiểu hệ thống của họ thực sự vững chắc đến mức nào. FSOC lo ngại về cách các hệ thống AI này có thể “tạo ra và che giấu các kết quả sai lệch hoặc không chính xác”. FSOC cảnh báo, điều đó có thể dẫn đến những quyết định cho vay công bằng và các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng khác.

“Các lỗi và các thành kiến có thể trở nên khó xác định và sửa chữa hơn khi các mô hình AI ngày càng phức tạp, nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác của các nhà phát triển công nghệ AI, các công ty thuộc lĩnh vực tài chính sử dụng AI và các cơ quan quản lý”, FSOC lưu ý.

Đầu tư và ứng dụng AI đang bùng nổ, ngay cả khi một số chuyên gia cảnh báo công nghệ này có thể áp đặt các mối nguy hiểm nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã ký một sắc lệnh yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn an toàn đối với AI.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, người cũng là chủ tịch của FSOC, dự báo việc sử dụng AI của các ngân hàng, nhà đầu tư và những người chơi trên các thị trường tài chính khác sẽ tiếp tục gia tăng.

Bà Yellen gọi AI là mối đe dọa mới nổi đối với sự ổn định tài chính, nhưng tin rằng, các quy định hiện hành có thể được sử dụng để hạn chế rủi ro thị trường tiềm ẩn của AI.

“Hỗ trợ đổi mới có trách nhiệm trong lĩnh vực này có thể cho phép hệ thống tài chính thu được những lợi ích như tăng tính hiệu quả, nhưng cũng cần áp dụng những nguyên tắc và quy tắc hiện có để quản lý rủi ro”, bà nhấn mạnh.

Cùng với Yellen, các thành viên cua FSOC bao gồm những người đứng đầu của tất cả các cơ quan quản lý tài chính lớn của Mỹ

Hồi tháng 10, Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), cũng là thành viên của FSOC, cảnh báo, nếu không có sự can thiệp nhanh chóng của các cơ quan quản lý để kiểm soát rủi ro của AI, việc công nghệ này gây ra khủng hoảng tài chính là “gần như không thể tránh khỏi” trong vòng một thập niên. Gần đây, SEC đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin về các chủ đề liên quan đến AI tới một số cố vấn đầu tư. Cơ quan này muốn biết thông tin chi tiết về các chủ đề gồm tài liệu tiếp thị liên quan đến AI, mô hình thuật toán được sử dụng để quản lý danh mục đầu tư của khách hàng, nhà cung cấp bên thứ ba và đào tạo về tuân thủ.

AI là một trong 14 rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường tài chính được liệt kê trong báo cáo thường niên của FSOC mà bà Yellen cho biết hội đồng này giám sát chặt chẽ trong năm tới.

FSOC cũng đang theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đối với thị trường tài chính, vốn đã được đưa danh sách giám sát của hội đồng này hai năm trước. Bộ trưởng Yellen cho biết, FSOC và các cơ quan quản lý khác đã đạt được tiến bộ về giải quyết các rủi ro khí hậu đối với thị trường tài chính. Nhưng bà lưu ý, vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển một khuôn khổ về cách quản lý vấn đề này một cách hiệu quả và bảo vệ thị trường.

“Công việc này là một bước quan trọng hướng tới việc tích hợp đầy đủ và lâu dài rủi ro khí hậu vào chính sách an toàn vĩ mô, nhằm duy trì sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Mỹ”, bà nói.

Khánh Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều bệnh viện ở TPHCM ứng dụng AI vào khâu điều...

0
(SGTT) - Trong thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã phát triển các ứng dụng công nghệ, đưa trí...

Gắn mác AI tràn lan, người tiêu dùng cần tỉnh táo

0
(SGTT) - Lợi dụng sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI), một số công ty đã phóng đại việc sử dụng AI...

AI – Thủ phạm khí thải mới

0
(SGTT) - Kể từ khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, thế giới chứng kiến một cuộc đua của các công ty...

Sử dụng AI trong hoạt động dự báo thời tiết và...

0
(SGTT) - Bằng cách hợp lý hóa quy trình chuyển dữ liệu thời tiết và khí hậu thành thông tin đầu vào, trí tuệ...

IMF: AI làm bất bình đẳng giàu nghèo trầm trọng hơn

0
(SGTT) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ công nghệ trí tuệ nhân tạo (...

Sợ lỗi thời, nhân viên công nghệ Mỹ sốt sắng đi...

0
(SGTT) - Nhân viên công nghệ ở Mỹ đang sốt sắng trang bị lại kỹ năng trong thời kỳ mà mọi công ty công...

Kết nối