Bên cạnh những kênh phân phối hiện đại như chợ trực tuyến (online), các trang bán hàng trực tuyến của các công ty, trên địa bàn TPHCM còn xuất hiện một hình thức khác là phiên chợ nông sản cuối tuần.
Những phiên chợ này thường chọn hai ngày cuối tuần ở một địa điểm nhất định để giới thiệu những sản phẩm nông sản an toàn đến với người tiêu dùng. Mô hình này đang được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Trực tiếp lựa chọn hàng hóa
Ở chợ phiên cuối tuần, người tiêu dùng thay vì lướt mạng để chọn và mua hàng thì đến phiên chợ trực tiếp lựa chọn, trao đổi thông tin với người bán. Đây cũng là một hình thức đi chợ truyền thống nhưng khác ở chỗ người tiêu dùng sẽ gặp trực tiếp đơn vị sản xuất và có thể nghe câu chuyện về quá trình sản xuất nông sản an toàn của bên bán. Và những sản phẩm này được đảm bảo là an toàn, sạch bởi sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM, Ban quản lý An toàn thực phẩm của thành phố…
Hiện có hai nơi thường xuyên tổ chức hình thức chợ nông sản sạch cuối tuần là Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp của Sở NN&PTNT TPHCM. Địa điểm để tổ chức là tại trụ sở, công viên, trung tâm văn hoá thể thao, bên cạnh đó là tổ chức những chương trình đưa nông sản an toàn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố…
Nhìn vào những địa điểm tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn này có thể thấy, ban tổ chức đã cố gắng đưa các sản phẩm nông nghiệp của nông dân, hợp tác xã tiếp cận những đối tượng khách hàng khác nhau.
Kênh quảng bá hiệu quả
Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, cho biết hiện tại cứ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, trung tâm tổ chức được 10 phiên chợ nông sản sạch tại nhiều địa điểm khác nhau. Mỗi địa điểm thu hút từ 25-30 gian hàng nhỏ của khoảng 20-25 doanh nghiệp, cá nhân… đến giới thiệu sản phẩm và bán hàng.
Theo ông My, phiên chợ nông sản bắt đầu từ cuối năm 2016 với chỉ một địa điểm. Sau 2 năm, con số này đã nâng lên 10 phiên vào dịp cuối tuần ở nhiều địa điểm khác nhau vì khách hàng ngày càng đông. Dĩ nhiên, những sản phẩm này đều phải đạt các chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, GlobalGap…
“Thành công của phiên chợ nông sản là đã giúp cho người tiêu dùng có thêm niền tin về sản phẩm nông nghiệp sạch, có chứng nhận chất lượng, còn doanh nghiệp có thêm một kênh để quảng bá sản phẩm đến những khách hàng tiềm năng”, ông My chia sẻ.
Hiện tại, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia phiên chợ nông sản cuối tuần đều đang nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, từ chính quyền về mặt bằng và một số hỗ trợ khác nên đa phần không phải chịu phí tổ chức. Song, cái được của những doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia phiên chợ nông sản này ngoài bán hàng còn tìm được nhiều bạn hàng lớn. “Nhiều doanh nghiệp khi tham gia phiên chợ nông sản một thời gian họ đã tìm kiếm được những đơn hàng lớn. Đó là điều đáng mừng và cũng là mục đích của chúng tôi”, ông My nói.
Khác với hình thức chợ online, nơi người mua và bán gặp nhau trên không gian mạng và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm được bên bán đảm bảo an toàn thì phiên chợ nông sản cuối tuần là không gian để người mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng do phía ban tổ chức thẩm định. Vì thế, sau khi phân tích trên những ưu điểm của mô hình này, theo ông My, hình thức chợ phiên nông sản cuối tuần vẫn là một kênh phân phối, bán hàng của các cá nhân, hợp tác xã, công ty lựa chọn để quảng báo, tiếp thị cho sản phẩm của mình trong thời gian tới.
Chợ phiên Nông sản an toàn do Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM quản lý được tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần tại nhà hàng Đông Hồ (196-197 Cao Thắng, quận 10), Trung tâm văn hóa thể thao quận Tân Bình (448 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình); Chủ nhật hàng tuần tại công viên Lê Văn Tám (quận 1), công viên Lê Thị Riêng (quận 10). Phiên chợ Xanh tử tế của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật tại 135A Pasteur, quận 3.
Tự Phong