(SGTT) - Theo Cục Thủy lợi, tính đến chiều 28-9, có khoảng 30.000 héc-ta lúa, hoa màu bị ngập úng do mưa lớn. Trong đó, khu vực Bắc bộ có hơn 24.400 héc-ta. Các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi đang vận hành hơn 200 trạm bơm tiêu úng.
- Mưa lớn gây thiệt hại về người, chia cắt giao thông tại nhiều địa phương
- Nhiều nơi mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp, có nơi lượng mưa trên 350 mm
Theo TTXVN, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến chiều 28-9, chỉ riêng khu vực Bắc bộ, đã có 24.400 héc-ta tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, úng lá. Một số địa phương có diện tích lúa, hoa màu ngập nhiều là Nam Định với hơn 7.000 héc-ta diện tích lúa, hoa màu bị ngập; Thái Bình là hơn 7.800 héc-ta diện tích; Hà Nam hơn 7.000 héc-ta.
Các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi đang vận hành hơn 200 trạm bơm trong tổng số 990 trạm. Trong đó, Thái Bình vận hành 38 trạm, Ninh Bình 46 trạm, Hà Nam 38 trạm… Dự kiến, nếu không có mưa, các công ty Sông Nhuệ, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh tiếp tục vận hành công trình bơm tiêu đến hết hôm nay (19-9). Riêng công ty Bắc Nam Hà sẽ vận hành bơm tiêu 5-7 ngày để đưa nước về mức trước khi có mưa.
Ở khu vực Bắc Trung bộ, diện tích bị ngập lụt, úng là hơn 6.200 héc-ta gồm diện tích lúa ngập là hơn 2.800 héc-ta và gần 3.400 héc-ta diện tích hoa màu, tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Các đơn vị cũng đang vận hành 29 trạm bơm tiêu nước, nếu không có mưa, các trạm bơm sẽ được vận hành trong 1-2 ngày nữa.
Liên quan đến thời tiết, TTXVN dẫn thông tin từ đại diện Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia), mưa sẽ giảm dần tại khu vực Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trong hôm nay (29-2). Trong khi đó, khu vực trung du Bắc bộ vẫn còn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Trong tháng 10-11 và nửa đầu tháng 12-2023, khu vực Trung bộ có khả năng mưa lớn. Trong tháng 10, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện và ảnh hưởng đến đất liền.
Trúc Đào