Trương Huỳnh Như Trân
Bao nhiêu năm qua, dường như tôi quên bẵng mất mùa hè. Mùa hè của những năm tháng học trò có nỗi háo hức được nghỉ học và cái bùi ngùi khi xa trường lớp. Cho tới khi con tôi bắt đầu chuẩn bị vào lớp Một thì người làm mẹ là tôi “tái ngộ” mùa hè với những nỗi lo hoàn toàn mới mẻ.
Học trò bây giờ dường như không có mùa hè, không có khái niệm chia tay trường lớp. Tôi không chủ trương nhồi nhét con học, không muốn con mất đi tuổi thơ quá sớm với cái cặp to đùng trên lưng cõng đi cõng về mỗi ngày. Nhưng nhìn quanh thấy mẹ nào cũng xoắn xít lo cho con học đủ các thể loại luyện chữ, học toán, học Anh văn, học đàn, học vẽ…
Có hè không cho trẻ?
Có bé học chung lớp mẫu giáo với con tôi, ngày nào mẹ cũng vào đón sớm, ngồi bên cạnh hò hét con ăn, nuốt vào lại ói ra. Ăn vừa xong là mẹ đưa lên xe đi tới lớp học toán. Học toán xong mẹ lại đón về nhà có cô luyện chữ chờ sẵn. Nhìn con bé năm tuổi còm cõi cõng cái cặp to hơn người líu ríu chạy theo mẹ, tôi phát hoảng. Tôi sẽ không để cho con mình như vậy. Mùa hè tôi sẽ cho nó về với ông bà ngoại, đi bắt ốc với ông, hái rau với bà.
Nhưng đó là những mùa hè của lớp mầm non. Năm nay con tôi chuẩn bị vào lớp Một. Học hè hay không học hè là bài toán mà tôi phải cân nhắc. Đem mối băn khoăn của mình chia sẻ để xin kinh nghiệm của các bà mẹ đi trước, tôi thật sự không thể không sốt ruột. Một bà chị cho con đi học từ lúc bốn tuổi. Bé biết đọc khi bốn tuổi rưỡi và làm toán thành thạo khi năm tuổi. Vậy mà vào lớp Một vẫn phải “đua” mới kịp bạn bè. Một ông bố khác cũng chủ trương cho con thong dong tận hưởng ngày hè như tôi, kết quả là vào năm học lớp Một, dù tư chất khá thông minh, bé vẫn bị “đuối” và bị bỏ lại sau lưng bạn bè một đoạn khá xa. Dễ hiểu là vì các phụ huynh ai cũng cho con học trước, không bé nào vào lớp Một mà chưa biết ghép vần, thì một học sinh bắt đầu từ i tờ sẽ cảm thấy hoàn toàn lạc lõng trong một lớp học như vậy. Chưa kể nhiều trường hợp các bé bị giáo viên khủng bố tinh thần, la mắng, thậm chí là đánh con khi con chưa thể đọc bài trơn tru, viết chữ thẳng ô li như các bạn khác.
Như vậy, dù muốn dù không tôi cũng đành phải cho con mình đi học trước, ít nhất là biết ghép vần, đọc chữ, biết làm toán, để tránh cho con rơi vào trạng thái “khủng hoảng lớp Một”. Dù muốn dù không thì cũng sáng học Anh văn, chiều học toán, tối luyện chữ như ai.
Chồng tôi sốt ruột: “Cứ cho con chơi cho hết mùa hè, học gì mà lắm thế!”. Cái viễn cảnh cho con nghỉ hè, vui chơi thoải mái, không chạy theo thành tích học hành cũng khiến tôi dao động, nhưng ngó lên ngó xuống thấy ai cũng trang bị cho con tận răng, chương trình học chuẩn bị cho lớp Một kín mít khiến tôi lại “sốt sình sịch”!
Vẫn phải quay cuồng với hiện tại
Đôi khi, giữa lúc đang quay cuồng trong ngày với lịch làm việc của mẹ, lịch học của con đan xen, khít khao, tôi thấy… ngộp thở. Tôi thèm được cùng con lang thang cánh đồng quê, nằm dài trong chiều gió ngắm cánh diều bay thảnh thơi. Lắm lúc tôi ước gì tách con ra khỏi được guồng quay hiện tại, để cho con không chỉ có những bài học, những con số… Cho con có những mùa hè đầy nắng gió, thoát ra khỏi cái náo nhiệt thành phố để trở về làm bạn với cào cào, châu chấu, phân biệt được con nghé với con bê, những bài học từ thiên nhiên sống động hơn nhiều những trang sách khô khan.
Nhưng giữa dòng người đang cuồn cuộn tuôn chảy về phía trước, mẹ con tôi không thể lội ngược dòng.
Tôi không tham vọng con tôi học giỏi, thành đạt, kiếm nhiều tiền về sau.
Cũng không tham vọng con tài năng khuynh loát thiên hạ.
Tôi chỉ mong con có một cuộc sống bình thường, có những niềm vui không lệ thuộc vật chất.
Nhưng tôi làm sao giúp con chống đỡ cảm giác bị bỏ rơi giữa dòng, khi không trang bị cho con đầy đủ, để con được “bình thường” với nhịp điệu xung quanh?
Để có được điều bình thường đó, mẹ con tôi cũng phải trải qua những cuộc chiến vất vả.
Mùa hè ơi, xin chào!