(SGTTO) – Hàng trăm ý kiến tranh luận giữa việc có nên mua, mà có người gọi là “giải cứu” mấy con rùa bày bán lề đường tại một ngôi chợ ở Bình Dương để phóng sinh mà một trang web và trang fanpage của trang web này đăng tải mấy hôm nay.
“Hai cá thể rùa cũng nhiều năm tuổi được bày bán ở chợ Thủ Dầu Dầu - Bình Dương (đường Bạch Đằng) chiều qua, đang được nhiều người quan tâm và muốn giải cứu”, một trang cá nhân viết và cho biết người bán hét giá khá cao, đến 500.000 đồng/kg và hai con rùa này chừng chục ký, tính ra 5 triệu đồng chứ không ít, nên người định giải cứu quay về với hy vọng đăng lên mạng xã hội nhờ cộng đồng cùng “giải cứu về chùa hoặc thả về tự nhiên”.
Thông tin này lan tỏa khá nhanh và cơ quan công an địa phương sau đó đã đến kiểm tra nhưng không còn thấy bày bán nhưng cuộc tranh luận mua giải cứu phóng sinh rùa cho chùa, thả về tự nhiên hay báo nhà chức trách vẫn cứ kéo dài.
Có người lập luận rằng càng bỏ tiền ra mua là họ càng bắt, bắt xong lại đem ra hành hạ phơi nắng lề đường, rồi lại bán với giá trên trời. Hay không nên mua rùa hay bất cứ loài động vật hoang dã nào dù là để phóng sinh?
“Làm như vậy, các bạn nghĩ việc tốt nhưng thực chất là đang tiếp tay cho người ta đi bắt thêm rùa về bán. Hơn nữa, bản thân việc mua và vận chuyển rùa của các bạn cũng đang vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, các bạn hoàn toàn có thể bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt.
Cách hay mà những người này nêu ra là nên báo cho cơ quan chức năng như công an kinh tế, cảnh sát môi trường hoặc kiểm lâm tới xử lý. Sau khi cơ quan chức năng xử lý, họ sẽ gửi về Trạm cứu hộ để chăm sóc các bạn rùa và thả về thiên nhiên.
“Nếu các bạn mua, điều đó đồng nghĩa với việc các bạn đang tiếp tay cho hành động mua bán động vật hoang dã. Nếu các bạn mua một lần thì sẽ có lần hai, lần ba và kéo dài mãi, như vậy sẽ còn nhiều bạn rùa bị săn bắt và đưa ra bán nữa”, một người viết trên diễn đàn.
Kinh nghiệm của người này là “mình đã từng giải cứu và đem vào Thảo cầm viên TPHCM trao lại nhưng mấy anh trong đó nói tốt nhất lần sau không nên mua nữa, vì có mua sẽ tiếp tục có bán và nếu thấy thì nên báo chính quyền hoặc kiểm lâm có hướng xử lý”.
Một người từng tham gia mua giải cứu rùa kể rằng có một chợ bày bán rùa và nhóm thiện nguyện trong xóm của anh ấy thấy tội nghiệp quá nên quyên góp tiền mua giải cứu một lần toàn bộ số rùa bày bán nhưng sau đó thấy rùa bày bán còn nhiều hơn.
Có người kể cho biết anh ta hay mua rùa thả phóng sinh ở gần chùa Ngọc Hoàng nổi tiếng ở TPHCM. “Riết rồi họ biết mua phóng sinh nên hét giá bán cao ngất, ác là cứ nhè ngay trước cửa chùa Ngọc Hoàng để bán”.
Còn doanh nhân Đặng Thế Hiền mới đây khi đi ngang qua khu vực gần chùa Ngọc Hoàng, thấy cảnh rùa bày bán, doanh nhân nhân này tự trách mình: “Nếu đủ quyết đoán, có lẽ giờ này hai con rùa đã no đủ tại chùa Ngọc Hoàng”.
Nhà sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung ở Đồng Nai lên tiếng rằng cộng đồng không nên mua "giải cứu" động vật hoang dã bày bán lề đường vỉa hè, làm như vậy là càng tiếp tay cho hành động săn bắt, mua bán động vật hoang dã nhiều hơn, thay vào đó là báo cho cơ quan chức năng như công an, kiểm lâm để họ có đủ khả năng nhận biết con vật nào được phép, con vật nào không và hướng xử lý phù hợp.
Câu chuyện rùa có vẻ sôi nổi khi có bạn lên tiếng rằng cuối tuần đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 thấy bày bán rùa khá nhiều, có 3-4 người thay phiên bán từ siêu thị Lotte Nguyễn Thị Thập đến tận ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập.
Có người thì báo ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng quận Gò Vấp hay chân cầu Ông Lãnh hay ngã tư Vĩnh Khánh- Hoàng Diệu, quận 4 đều có bán. Ở quận 5, 6 người đi đường thấy ngồi bán nhiều rùa và rùa nhỏ nhưng hét giá cả triệu bạc khi thấy người dân mua "giải cứu".
Hồi tháng 6 năm nay, có người dân báo cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên một đối tượng bán rùa trên vỉa hè tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngay sau khi nhận tin, trung tâm đã liên hệ cho cơ quan chức năng địa phương đề nghị đến kiểm tra. Lực lượng chức năng đã đến tận nơi và tịch thu được 2 cá thể rùa đất lớn. Hai cá thể rùa đã được chuyển giao về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.
Rõ ràng việc mua để “giải cứu” rùa hay các loại động vật hoang dã khác bày bán nhan nhản trên đường phố có thể được cộng đồng mạng cho là việc tốt, nghĩa hiệp nhưng dưới góc nhìn luật pháp và môi trường sinh thái thì hành động này vô tình tiếp tay cho các hành vi sai trái tiếp theo. Nhưng rất tiếc thông tin chính thống như thế nào là đúng, thế nào là sai của các nhà sinh vật rừng, các nhà chức trách có vẻ chưa đủ lan tỏa trên cộng đồng mạng.
Hồng Ngọc
Phóng sinh là một việc làm tốt. Công đức phóng sanh không những tăng tuổi thọ mà công ăn việc làm hanh thông. Nhưng có một số người , hiểu lệch phóng sanh , họ cứ nghĩ mua vài con rùa , đặt vài trăm con chim , vô tình tạo công ăn việc làm cho người bán vật phóng sanh. Chúng ta cần phải nhìn nhận đúng nghĩa phóng sanh. Chẳng hạn như , khi đi chợ thấy con cá hoặc hay đi đường cảm thấy con vật bị nhốt tội nghiệp , động lòng bỏ tiền mua con vật đó để phóng sanh. Nếu chúng ta phóng sanh thiếu trí tuệ , vô tình chứng ta tự xây dựng một làng chuyên bán vật phóng sanh hoặc họ thừa cơ hội hét giá.
Này thì mình mua phóng sinh rồi họ bắt lại bán tiếp.
Rùa phơi nắng làm khô Rùa một nắng chứ phóng sanh gì
Cấm bắt bán động vật hoang dã thì mới giải quyết được. Nước ta chưa phát triển tới giai đoạn có thể ra luật chế tài như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của những người thật sự nghèo.
Mua như này tiếp tay cho bọn nó bán nhiều hơn, nó còn hỏi mày thả ở đâu chốc nữa tao qua giải cứu rồi đem bán.
Trước đây tôi hay phóng sinh. Nhưng sau này tôi nghĩ khác. Ví dụ phóng sinh 1 con chim thì trong cuộc đời còn lại con chim đó sẽ ăn rất nhìu sinh vật khác để sống. Với cách nhìn của người phóng sinh thì đó là tốt. Gốc nhìn của con sâu thì đó lại là điều khủng khiếp. Nên thôi .cuộc sống nhân sinh. Thuận theo tự nhiên. Ta hãy tu chính tâm ta hướng thiện… còn dòng đời.. cứ để nó tự trôi….
Ko làm gì cả rồi nói tu tâm là được…bạn ko cứu giúp con vật đang nguy nan thì tới lúc bạn nguy nan Phật nào cứu bạn.
Vậy cứu nó rồi nó đi bắt sâu bắt bướm nó ăn thịt thì khi đó bạn có đến cứu mấy con sâu con bướm đó không ? Hay đối với bạn sâu bướm không thuộc nhóm những con vật cần được sống?
Cái nắng hơn 40 độ của Saigon. Họ để con rùa trên cục gạch ống ở gần các ngã tư. Cứ 20-30p họ đổ tí nước cho con rùa đừng mất nước mà chết. Có khi nào nghị định bảo vệ động vật hoang dã Chính phủ vừa thông báo vào tháng trước không có tác dụng gì?
Hot boy youtube sẽ lại mở một cuộc livestream vào rừng đồ sát các con vật để câu views kiếm tiền mà không ai dám làm gì?
Tại sao không kiểm soát chặt hơn, mức phạt cao hơn từ việc ngăn chặn săn bắt động vật hoang dã trái phép? Việc đầu tiên cần làm chưa giải quyết đc thì việc sau còn nhiều rủi do hơn.
không nên mua giải cứu. Vì mua rồi nó lại đi bẫy và lại bán. Đó là hành động tiếp tay cho những kẻ gian tà , tiếp tay cho phá hoại môi trường. Vậy nên chăng chúng ta cùng chung tay nói chữ KHÔNG với việc mua bán động vật hoang dã. Việc này là của chính quyền, nhưng họ làm ngơ. Có luật nhưng những người giám sát kiểm tra không làm và có thể chính những kẻ đó gián tiếp , tiếp tay cho những kẻ này. Vì họ không làm nên tôi nói là họ tiếp tay. Vậy chúng ta hãy hành động bằng cách không mua không bán động vật hoang dã, vận động gia đình bạn bè , cùng nhau làm.