(SGTT) – Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới mọi nghành nghề trong xã hội. Những người sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube (Youtuber) đã và đang có những bước đi khác để thích ứng với tình hình mới.
- TPHCM: ngày nhập học, giáo viên, học sinh được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp
- Khoai Lang Thang, Hen Nie kích cầu du lịch trên Youtube
Ẩm thực, công nghệ được lựa chọn nhiều
Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, xu hướng phát triển các video về ẩm thực như hướng dẫn nấu ăn, đánh giá địa điểm ăn uống, ẩm thực đồng quê... được khá nhiều người tìm xem.
Các video ẩm thực này chủ yếu giới thiệu những món ăn gắn liền với tuổi thơ như cá lóc nướng trui, ốc hấp mẻ, chuột quay lu... Các “đầu bếp” trong video đa phần là những người mẹ hay các thôn nữ mặc áo truyền thống như áo bà ba thực hiện hướng dẫn nấu ăn. Đan xen vào đó là những hình ảnh mộc mạc về một làng quê yên bình như chái bếp sau hè, khói lam chiều... làm rung động nhiều khán giả là những người con xa quê.
Một số kênh Youtube về ẩm thực có thể nói đến như Ẩm Thực Mẹ Làm (877.000 người đăng ký), Thôn Nữ Miền Tây (408.000 người đăng ký), Khói Lam Chiều (355.000 người đăng ký), đều nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, lượt theo dõi kênh và xem ngày càng tăng.
Ngoài ra, khuynh hướng video được nhiều khán giả quan tâm là các câu chuyện trải nghiệm, đánh giá của các YouTuber tại những khách sạn, nhà hàng cao cấp. Nội dung này khiến nhiều khán giả phấn khích vì những hình ảnh sang trọng với chi phí "đắt đỏ". Vì có thể với nhiều người, không dễ để ra quyết định chi một số tiền hàng chục triệu đồng để trải nghiệm.
Không chỉ những người chơi YouTube bình thường, các nghệ sĩ Việt cũng đã tham gia vào nền tảng YouTube với nội dung về ẩm thực, có thể kể tên như nghệ sĩ Trường Giang, Việt Hương, Trấn Thành. Trong đó, chương trình “Muốn Ăn Phải Lăn Vào Bếp” của nghệ sĩ Trường Giang đang được nhiều người quan tâm. Với các chương trình ẩm thực của nghệ sĩ, người xem vừa được thấy nghệ sĩ họ yêu thích vừa được giải trí với những màn hài hước trong video.
Không chỉ vậy, khán giả còn có thể du lịch qua màn ảnh với những đoạn clip ẩm thực được thực hiện tại nhiều vùng miền trên cả nước. Nhiều sản phẩm của nghệ sĩ Trường Giang liên tục lọt vào top trending (video thịnh hành), giúp nam nghệ sĩ nhanh chóng nhận được nút vàng YouTube.
Ngoài ẩm thực, chủ đề xe và công nghệ cũng được nhiều người tìm xem. Anh Xuân Hoàn, người tư vấn bán hàng cho một hãng xe lớn tại TPHCM, cho biết thông qua nền tảng YouTube anh có thể dễ dàng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Mặt khác, các khán giả yêu thích xe và công nghệ cũng dễ dàng cập nhập tin tức thông qua kênh YouTube của anh.
“Trước kia, để bán được một chiếc xe, mình đã phải xin tham gia một câu lạc bộ về quần vợt để có thể tiếp cận được khách hàng và quảng cáo bán xe. Nhưng nhờ có kênh YouTube, các khách hàng có thể hiểu rõ hơn về thiết kế, tính năng của các loại xe một cách rõ nhất và chủ động hơn trong việc tìm kiếm loại xe thích hợp”, anh Hoàn cho biết.
Gần đây video trên kênh YouTube của anh Hoàn nhanh chóng có gần 1,2 triệu lượt xem chỉ trong ba tuần trình chiếu. Kênh giới thiệu xe của anh được YouTube đề xuất là kênh nói về xe được yêu thích nhất tại Việt Nam với gần 500.000 lượt theo dõi.
Chú trọng tính địa phương trong sáng tạo nội dung
Ngược với những Youtuber mới nổi muốn làm nội dung theo chiều rộng, thì những YouTuber đã có thành công nhất định đã và đang có những hoạt động chuyển hướng đi khác trong công việc của mình trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những người này, thay vì phải chạy đua theo lượt xem và "kiệt sức" vì tìm ý tưởng ở các đô thị lớn như TPHCM, thì đang có xu hướng tập trung thực hiện các nội dung về chủ đề mang tính đặc trưng địa phương nhiều hơn.
Anh Lê Tính Lập, chủ kênh YouTube “SGChill” với nội dung về ẩm thực và du lịch “triệu view” đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là giảm dần khối lượng công việc để dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
“Trước kia, gia đình mình ở tỉnh Đồng Tháp và mình thì lại làm việc ở TPHCM, mỗi cuối tuần sau khi sắp xếp ổn thỏa công việc, mình sẽ đi xe về quê. Nhưng bây giờ, mình đã quyết định về Đồng Tháp sinh sống và làm việc luôn vì vừa gần gia đình; cũng như lên kế hoạch khai thác các chủ đề về con người, ẩm thực ở miền Tây hiện còn chưa được nhiều người làm”.
Còn anh Phạm Văn Châu, một YouTuber với tên gọi "Châu đại dương" chuyên sáng tạo nội dung về văn hóa và du lịch, cũng đang chuyển hướng tập trung khai thác về du lịch ở biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cũng là quê của anh.
“Du lịch biển đảo, đời sống ngư dân đang được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu, nên trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, mình đã nảy ra ý tưởng khai thác vẻ đẹp của đất nước, quê hương mình và được nhiều người ủng hộ”, anh Châu chia sẻ.
Qua những hình ảnh chân thật về cảnh đánh bắt, kéo lưới của các ngư dân trong các video của anh Châu, người xem hiểu rõ hơn về những vất vả và nguy hiểm của nghề đi biển.
Nhờ công việc này, anh Châu cũng phát triển thêm nghề tay trái đó là bán các loại hải sản được đánh bắt tại vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi). Những con tôm, cá, mực tươi sống được anh lựa chọn và đóng gói cẩn thận để giao đến người xem cũng là khách hàng của anh.
Công việc mới đã giúp Youtuber "Châu đại dương" vừa có thể quảng bá tốt du lịch địa phương, vừa giúp đảm bảo thu nhập cho anh trong bối cảnh nhiều hoạt động bị đình trệ vì dịch bệnh.
Minh Hoàng