Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Mù mờ thực phẩm biến đổi gen

Vũ-Ngọc-Hùng

Vấn đề thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organism – GMO) lại một lần nữa được xới lên sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận ba giống bắp (ngô) biến đổi gen được trồng đại trà để làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trong lúc các nhà khoa học còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về GMO thì không ít người tiêu dùng đặt dấu hỏi: liệu có an toàn khi ăn những sản phẩm có liên quan đến GMO và làm thế nào có thể nhận diện chúng trên thị trường?

Liệu có an toàn?

Đây là một trong 20 câu hỏi liên quan đến GMO mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được kể từ khi xuất hiện khái niệm cây trồng biến đổi gen. Trên bình diện nghiên cứu luôn có những tranh cãi giữa nhóm ủng hộ và nhóm không ủng hộ GMO. Bên cạnh tính an toàn khi sử dụng trực tiếp, nhiều người còn băn khoăn, không biết khi được trồng đại trà, những cây trồng GMO có ảnh hưởng gì đến môi trường xung quanh hay không.

Không công bố thông tin, người tiêu dùng hàng ngày xách giỏ đi chợ không thể biết đâu là thực phẩm biến đổi gen. Ảnh: Thành Hoa
Không công bố thông tin, người tiêu dùng hàng ngày xách giỏ đi chợ không thể biết đâu là thực phẩm biến đổi gen. Ảnh: Thành Hoa

Trên trang web của mình, cả Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) và WHO đã tham gia vào việc giải đáp câu hỏi này. Theo đó, những thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường hiện nay đã qua đánh giá rủi ro, và không có khả năng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều này được chứng minh qua thực tế sử dụng tại các quốc gia phê duyệt sử dụng thực phẩm biến đổi gen.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua đã có khoảng 11 văn bản pháp lý liên quan đến GMO, trong đó có Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Theo đó, Chính phủ cho phép sử dụng thực phẩm GMO và trồng đại trà một số giống cây là căn cứ trên báo cáo đánh giá rủi ro của GMO đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi.

Nghị định 69 nêu rõ, sinh vật biến đổi gen phải được ít nhất năm nước phát triển cho phép làm thực phẩm và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó. Theo Thông tư 02/2014 của Bộ NN&PTNT, nước phát triển là nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD và nhóm các nước có nền kinh tế lớn G20. Cũng vì cẩn trọng trong việc cấp phép nên phải đến năm 2015, Việt Nam mới cho phép trồng bắp GMO.

Thực tế thị trường

Mặc dù cho phép, nhưng Nghị định 69 cũng ràng buộc những tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% thì phải ghi trên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết. Quy định là vậy, song trên thực tế người tiêu dùng có tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy sản phẩm nào ghi tỷ lệ GMO trên nhãn hàng hóa.

Một người tiêu dùng tên Trang, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết chị nghe nói về thực phẩm biến đổi gen qua báo chí. Những ý kiến trái chiều của các nhà chuyên môn khiến chị cũng lo lắng, nhưng khi đi mua sắm, chưa bao giờ chị thấy sản phẩm nào đề cập đến yếu tố biến đổi gen trên nhãn.

Tương tự, anh Nguyên, một nhân viên văn phòng ở quận Tân Bình, cho biết những gì anh biết về biến đổi gen thông qua những thông tin góp nhặt, chứ chưa hiểu thấu đáo về vấn đề này. “Tôi cũng có nghe những luồng ý kiến trái chiều, nhưng không biết tin vào đâu vì không tìm thấy được những khẳng định chính thống về vấn đề này. Tôi nghe nói nhiều sản phẩm biến đổi gen đã được trồng, phân phối và tiêu thụ rộng rãi tại Việt Nam, nhưng trên nhãn mác không thấy đề cập nên nhiều khi cũng chẳng biết sản phẩm nào có biến đổi gen, sản phẩm nào không mà lựa chọn. Người tiêu dùng cần thông tin để có thể quyết định an toàn trong tiêu dùng”, anh Nguyên nói.

Thực ra, không phải tới giờ này vấn đề công bố tỷ lệ biến đổi gen trên nhãn sản phẩm mới được nói đến, mà đã được khảo sát cách đây 5-6 năm. Một nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest3) đã dành hẳn một năm, từ tháng 10-2008 đến tháng 10-2009, để khảo sát sự có mặt của sinh vật biến đổi gen trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường TPHCM.

Nhóm này đã lấy 323 mẫu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại TPHCM. Tất cả các mẫu được bày bán đều không ghi thông tin có sử dụng công nghệ biến đổi gen. Khi đưa vào phân tích, nhóm đã phát hiện ra 111 mẫu là sản phẩm của các loại cây trồng GMO, trong đó có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 16 mẫu khoai tây, còn lại là cà chua, gạo và một số loại đậu. Trong 23 mẫu bắp xác định được loại gen cụ thể, trong đó có bốn mẫu có hàm lượng GMO trên 20%. Với đậu nành, trong 12 mẫu xác định được dòng gen đều có hàm lượng từ 30% đến trên 93%.

Lý lẽ của người bán

Ông Lê Ngọc Hoàng, quản lý kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty TNHH Lotte Mart Việt Nam, cho biết hiện siêu thị không bán các sản phẩm biến đổi gen. Khi đưa vào siêu thị, các sản phẩm phải ghi nguồn gốc rõ ràng. Với sản phẩm trong nước luôn có chứng nhận nguồn gốc của doanh nghiệp, với sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận nguồn gốc của doanh nghiệp cung cấp, tờ khai hải quan, chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước.

Thế nhưng, với doanh nghiệp sản xuất thì câu chuyện lại khác. Giám đốc một công ty chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm đậu hũ tại TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết, hiện nay nguồn đậu nành trong nước đa phần là nhập khẩu từ các nước, trong đó có Mỹ. Mà đậu nành trồng ở Mỹ phần nhiều là biến đổi gen.

Do vậy, các sản phẩm từ đậu nành trong nước, theo ông, có thể có biến đổi gen, còn việc có bao nhiêu phần trăm thì bản thân công ty nhập khẩu và đơn vị mua lại để sản xuất cũng không thể biết được. Để xác định đậu nành có biến đổi gen hay không phải có máy móc hiện đại để phân tích. Trong khi đó, chưa thấy cơ quan nhà nước nào đi kiểm nghiệm. Vì vậy, chuyện đậu nành có biến đổi gen hay không còn là vấn đề thả nổi.

“Thông qua một công ty khác, cơ sở của chúng tôi cũng mua đậu nành nguyên liệu từ Mỹ. Tôi hỏi họ có phải đậu nành biến đổi gen hay không thì họ cũng không biết. Vì không biết, không chứng minh được có phải là biến đổi gen hay không nên công ty tôi không dám ghi trên nhãn mác sản phẩm”, vị giám đốc này cho biết.

Rồi ông nói thêm, thực ra, cho đến bây giờ vẫn có hai luồng quan điểm chấp nhận và không chấp nhận sản phẩm biến đổi gen. “Chưa biết xấu tốt thế nào, nhưng tôi từng ở Nhật nên tôi biết họ không chọn nguyên liệu biến đổi gen để sản xuất. Giá đậu nành nguyên hạt ghi rõ không biến đổi gen tôi từng mua ở Nhật là 5 đô la Mỹ/kg, trong khi giá nguyên liệu này của Mỹ rẻ hơn nhiều. Năm 2015 khi thuế suất nhập khẩu dành cho đậu nành từ Mỹ về Việt Nam còn 0% thì số lượng đậu nành nhập về sẽ còn tăng cao hơn”, vị này cho biết.

Theo giáo sư Henry Nguyễn, Giám đốc Trung tâm quốc gia về công nghệ sinh học đậu nành thuộc trường Đại học Missouri (Mỹ), khoảng 95% diện tích trồng đậu nành của Mỹ là GMO, còn nếu mua đậu nành không GMO phải đặt hàng từ vụ trước mới có. Nguồn đậu nành cung cấp cho Việt Nam trong những năm qua chủ yếu từ Mỹ.

Sài Gòn Tiếp Thị cũng đã nhiều lần liên hệ với một doanh nghiệp có nhiều sản phẩm từ bắp và đậu nành được nhóm nghiên cứu xác định có sử dụng nguyên liệu biến đổi gen để có thêm thông tin chi tiết, nhưng đơn vị này từ chối trả lời.

Vị giám đốc trên hy vọng sẽ có một cơ quan nhà nước hay cơ quan khoa học độc lập đủ thẩm quyền, trang bị đầy đủ máy móc kỹ thuật để kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu đậu nành nói riêng và các nguyên liệu liên quan đến biến đổi gen nói chung khi chúng được nhập về Việt Nam. Từ sự kiểm tra đó sẽ công bố cho doanh nghiệp và cho người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu đúng về thực phẩm biến đổi gen

0
(SGTT) - Thực phẩm biến đổi gen là vấn đề gây tranh cãi triền miên trong ngành nông nghiệp thế giới nhiều năm qua,...

Thực phẩm biến đổi gen: lợi hại cân phân

0
Trang Quan Sen (*) Tăng năng suất và chất lượng cây trồng luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của con người. Với...

Quyền được thông tin đầy đủ

0
Tự Phong Như vậy là cây trồng biến đổi gen (GMO) đã có hành lang pháp lý để phát triển trên diện rộng trong thời...

Kết nối