(SGTT) - Những tháng ngày giãn cách xã hội, việc làm eo hẹp, thu nhập ảnh hưởng, đó có lẽ là quãng thời gian ám ảnh nhất đối với tất cả mọi người, nhất là những người khiếm thị tha hương mưu sinh. Tuy nhiên, ngay cả khi lầm lũi trong bóng tối hay chật vật với “miếng cơm manh áo”, những người khiếm thị vẫn nuôi dưỡng niềm tin và sự lạc quan vào một tương lai đẹp đẽ và đủ đầy.
Như một mối duyên lành vào những ngày cuối năm, tôi có dịp gặp gỡ những người khiếm thị hành nghề xoa bóp, tẩm huyệt tại TP. Vũng Tàu.
“Mái ấm” người mù vững tin qua gian khó
“Mái ấm” là cách tôi gọi tiệm massage của người mù trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. Đây không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là nơi cư trú của ba cặp vợ chồng khiếm thị. Nhờ có công việc tại tiệm massage này mà cuộc sống của họ bớt lo toan, họ cũng thoát khỏi cảnh sống lang bạt khi tha hương lên Vũng Tàu lập nghiệp.
Tiệm massage người mù do chị Hồ Thị Thanh Hoa (36 tuổi) mở ra. Dáng người chị Hoa nhỏ bé, có phần khúm núm khi gặp người lạ. Ấy vậy mà người phụ nữ này đã tạo ra công việc cho những người khiếm thị ngay khi mang khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng, thêm vào đó là tiền thuê mặt bằng 12 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước tổng cộng 6 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi dịch ập đến, tiệm đóng cửa, nguồn thu duy nhất cũng biến mất.
“Ở cũng chẳng được, đi cũng chẳng xong”, chị nói rồi bỗng nước mắt lưng tròng. Người phụ nữ ấy vẫn cố lạc quan vì đứa con học lớp 9 ở quê đang chờ được vào Vũng Tàu để đoàn tụ với gia đình.
Dạo lướt một lúc, chị Hoa giới thiệu cho tôi gặp anh Nguyễn Hoàng Tiến (quê Quảng Trị), một trong những nhân viên tại tiệm. Gặp tôi, anh liền đon đả chào hỏi.
Anh Tiến tâm sự, năm 10 tuổi, anh bị teo dây thần kinh thị giác. Cha mẹ anh lúc đó cũng vay mượn khắp nơi để chạy chữa nhưng cũng không có kết quả.
Anh kể, ngày còn ở quê, anh từng làm nhiều công việc để trang trải thu nhập như đan chổi, đóng gói tăm tre. Nhưng công việc khá vất vả mà đồng lương lại bèo bọt nên anh đã theo học nghề tẩm quất cổ truyền.
Làm việc tại quê nhà được 15 năm nhưng anh nhận thấy tình hình không mấy ổn vì Quảng Trị thường xuyên xảy ra lũ lụt. May nhờ có người quen giới thiệu tiệm massage của chị Hoa, nên anh Tiến đã quyết định vào Vũng Tàu lập nghiệp. Sau một thời gian, vợ anh cũng đã đăng ký trở thành nhân viên của tiệm massage người mù.
Vợ chồng anh Tiến vào làm từ tháng 3, cùng lúc chị Hoa thành lập tiệm. Ổn định chưa được bao lâu, tiệm cũng đến hồi đóng cửa vì dịch bệnh. Cuộc sống thời Covid-19 với người thường đã lay lắt, với người khiếm thị như anh càng khó trăm bề.
“Người ta mất việc còn xoay xở tại nhà kiếm việc làm online. Chứ mình mù lòa, chỉ được học mỗi nghề massage, mà dịch giã như thế này đâu làm ăn được gì. Ngoài quê thì vẫn còn cha mẹ già đã ngoài 60 và đứa con nhỏ, nhưng thất nghiệp, anh không còn đồng lương để gửi về cho cha mẹ phụ chăm bé hàng tháng”, anh Tiến tâm sự.
Giữa vô vàn gian khó, anh Tiến và những cặp vợ chồng đồng cảnh ngộ mỗi ngày đều thủ thỉ cho nhau nghe về những mơ ước sau này. Có cặp đã tích cóp tiền để chờ mua một miếng đất, có cặp dự định sẽ mở một cơ sở kinh doanh riêng. Họ không ngừng động viên nhau để quên đi cái bẽ bàng của thực tại.
Tìm mọi cách để mưu sinh
Bước qua những ngày dịch giã, nhiều người khiếm thị đã tìm thêm đường mưu sinh bằng cách bán vé số dạo. Dẫu rủi ro tai nạn cao nhưng vẫn bằng lòng vì “được đồng nào hay đồng đó”, cặp vợ chồng khiếm thị Chiến – Châu, đã tâm sự với tôi như thế.
Cả hai vợ chồng anh chị đều vì bị bệnh sởi nặng nên dẫn đến mù lòa, anh Chiến (quê Phú Thọ) bị từ lúc lên ba còn chị Châu (quê Đắk Lắk) lại bị khi chỉ mới 6 tháng tuổi. Hai người học nghề massage ở quê rồi cùng nhau vào Vũng Tàu làm ở một tiệm massage người mù trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Dẫu khó khăn luôn chồng chất lúc giãn cách xã hội, anh Chiến và chị Châu vẫn lạc quan lạ thường. Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường Phạm Hồng Thái, hai vợ chồng mù đã nương tựa nhau mà sống, đứa con trai 2 tuổi của anh chị đã gửi nhờ cho cô giáo ở nhà trẻ trông hộ, mỗi tháng có chu cấp.
Hiện chỗ làm chưa hoạt động, hai anh chị mỗi ngày cứ thế dò gậy đi bán vé số từ 6:00 sáng. Khi tôi hỏi hai người có ước mơ gì không, anh chị đều đáp lại trong tiếng cười giòn “Mong là trúng số độc đắc để có tiền xây nhà khang trang cho con ở”. Nghe câu nói đó, tôi thiết nghĩ, thì ra những ngày dịch bệnh gian nan cũng không xóa mờ được khát khao lớn của hai vợ chồng họ
Tới 7:00 tối, tôi bắt gặp cặp vợ chồng mù khác đang chậm rãi đi trên vỉa hè đường Nguyễn An Ninh bán vé số. Theo chân anh chị là một cậu bé kháu khỉnh. Khi tôi đến chào hỏi, cả hai đều xởi lởi tiếp chuyện. Trò chuyện một lúc, mới biết cả hai mỗi ngày đều đi bán từ tờ mờ sáng tới nửa đêm, đến tối có cậu con trai 3 tuổi làm “bạn đồng hành”.
Hóa ra, hai vợ chồng đều từ Quảng Bình xa xôi lặn lội vào đây, anh tên Trần Văn Trường (25 tuổi), chị là Nguyễn Thị Bảo Yến (26 tuổi). Cùng học tại một trường THPT dành cho người khiếm thị ở quê, cả hai biết nhau rồi từ đó nên duyên vợ chồng. Khi đến Vũng Tàu để xin vào làm tại một tiệm massage, anh chị quyết định mang con đi cùng. Thu nhập khi đó của hai vợ chồng là 10 triệu đồng/tháng, đủ để cho con được đi học nhà trẻ và có cơm ăn áo mặc.
Nhưng dịch bệnh tràn đến, hai vợ chồng cũng mất kế sinh nhai. Căn phòng trọ ọp ẹp chừng 10m² cũng chỉ đủ tiền chi trả 1 tháng.
Chừng mươi phút, cuộc hội thoại giữa tôi và anh chị bị ngắt quãng vì cậu con trai đòi bố ẵm bồng. Anh Chiến ôm bé vào lòng rồi tâm sự: “Cô giáo khen bé ở lớp vui vẻ, hòa đồng lắm. Vả lại ngày trước, bọn tôi vì muốn bé hiểu chuyện nên đã thẳng thắn nói bé tình trạng của hai vợ chồng. Từ đó, cháu cũng nhạy hơn và dần học được cách tự mình xúc cơm, tự vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, mỗi lần đi bán vé số, cháu đều có thể dìu cả hai qua đường và tránh vật cản”.
Với anh chị, con trai chính là động lực to lớn nhất giúp cả hai có thể bám trụ lại. “Nhiều lần bế tắc tới mức bật khóc, chỉ cần nghe tiếng con cười là bao nhiêu phiền lo lại tan biến. Vợ chồng mình đã hứa sẽ cho con học hành đàng hoàng tử tế và mong mai này, con sẽ hiểu được tình cảm của bố mẹ mà nỗ lực nên người”, anh Chiến xúc động.
Thời gian qua, điều may mắn nhất của vợ chồng anh Chiến là giờ đây chủ tiệm massage đã cho cả hai và con một chỗ ở tạm, mỗi ngày đi bán vé số đều nhận được củ cà, gạo, mì tôm từ tấm lòng thành những nhà hảo tâm. “Dịch chắc chắn sẽ qua”, anh Chiến đinh ninh như thế.
Hiếu Kha
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.