Chúng ta không có tác phẩm lớn, nhưng nếu có tác phẩm lớn, liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận? Đó là câu hỏi bật lên trong đầu khi tôi đi xem bộ phim Việt Nam vừa được xướng tên ở giải Cannes danh giá – Bên trong vỏ kén vàng (biên kịch và đạo diễn: Phạm Thiên Ân) trong tình trạng một mình một rạp.
- TFS mang nghề cá bống kho tộ Nam bộ lên phim truyền hình
- Phim remake gặp khó tìm ‘đất diễn’ ở Việt Nam
Hẩm hiu như phim nghệ thuật
Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải Camera vàng (Caméra d’Or) cho phim đầu tay xuất sắc tại liên hoan phim Cannes 2023. Bộ phim được giới phê bình điện ảnh quốc tế đánh giá cao. Có những lời khen tặng đầy khích lệ trên báo chí, trên các diễn đàn uy tín như indieWire, Screen Daily, Vatiety dành cho bộ phim này. Có thể lướt qua: “Một bộ phim Việt Nam đẹp đến mê hoặc” (indieWire); “Hấp dẫn, bí ẩn và gợi mở – một tác phẩm điện ảnh đầu tay xuất sắc” (Screen Daily)… Diễn giải rõ hơn, indieWire viết: “Đây là một câu chuyện đầy mê hoặc về khao khát bất khả dò thấu của linh hồn đối với thế giới bên kia, vốn là những điều siêu nghiệm trong cuộc sống. Bạn sẽ dần dần lạc lối, mất ý niệm thời gian, đến nỗi gần như có thể quên mất sự hiện diện của máy quay lúc khuôn hình của nó đang dịch chuyển”.
Bên trong vỏ kén vàng đi vào một không gian cao nguyên sương mù và giá lạnh, những cuộc lữ hành kiếm tìm, truy vấn đức tin và số phận con người mang đậm màu sắc văn hóa Kitô giáo. Điều bất ngờ của bộ phim nhận được nhiều lời khen tặng của giới phê bình quốc tế này là nó do một nhóm làm phim trẻ thực hiện, tên tuổi còn rất mới. Thêm vào đó, một dàn diễn viên cũng mới toanh, có thể còn xa lạ với chính khán giả trong nước. Có thể nói, sức mạnh và sự thuyết phục của bộ phim nằm ở chính chất lượng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ mang lại trong suốt ba giờ đồng hồ bộ phim được chiếu. Bộ phim đủ sức đi đến sự “cực đoan” cần thiết của một tác phẩm lớn: theo đuổi một thứ điện ảnh thuần khiết đầy tính cá nhân, và vì thế, can đảm bỏ qua thị hiếu số đông trên quầy vé và lọc bỏ những khán giả không đủ kiên trì theo đuổi nhịp độ chậm rãi trong cách kể ngay trong rạp.
Một cây bút phê bình điện ảnh đã nhắn cho người viết bài này rằng: hãy đi xem trước khi phim “out khỏi rạp” (ngừng chiếu). Ẩn ý của lời nhắn này là ngay cả khi hệ thống rạp có ưu ái đến đâu thì cũng khó có thể cho bộ phim được chiếu trong thời gian dài, vì doanh số không khả quan. Thực tế đã chứng minh, trong một tuần ra rạp tại Việt Nam (từ 11 đến 16-8-2023), doanh số bộ phim này chỉ trên dưới 808 triệu đồng dù truyền thông tự nhiên của phim là cực kỳ tốt trên mạng xã hội. Các KOL, các cây bút điểm phim uy tín, và cả báo chí đã dành nhiều lời khen ngợi sau khi phim được công chiếu. “Nếu phim này mà đạt doanh thu trên 2 tỉ đồng (tại thị trường Việt Nam), dù còn lâu mới hòa vốn sản xuất, thì thật hú hồn. Bởi chẳng lẽ “gu” hoặc thẩm mỹ xem phim của khán giả Việt Nam đã cấp tiến đến vậy sao?”, một nhà báo đã hài hước cay đắng như vậy trên trang Facebook riêng.
Và một trải nghiệm không kém đắng cay của người viết bài này, đó là phải thu xếp thời gian và công việc để chọn một giờ đẹp, hợp lý đến rạp xem phim theo sự giới thiệu nồng nhiệt của những bạn bè “khó tính”. Suất chiếu lúc 14 giờ 5 ngày 15-8-2023 tại rạp CGV Lotte Nam Sài Gòn chỉ bán được đúng một vé. Không ai khác, chính người viết bài này đã trải nghiệm cảm giác một mình xem phim trong một rạp lớn suốt ba giờ đồng hồ. Bộ phim quá sức cuốn hút, thỏa mãn gu xem. Cảm giác hạnh phúc khi được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh tinh tế, thuần khiết đến đâu thì nỗi day dứt về số phận hẩm hiu của nghệ thuật thực sự đến đó.
Phim art house và vài câu hỏi
Tình cảnh một mình một rạp khiến tôi không khỏi liên tưởng đến một sự kiện vào năm 2014. Khi đó, hệ thống rạp CGV có khai trương những rạp nhỏ chiếu phim điện ảnh nghệ thuật, gọi là rạp art house (giới chuyên môn dùng để nói về những phim tìm kiếm nghệ thuật điện ảnh, để phân biệt với phim giải trí có tính thị trường, đại chúng).
Tại TPHCM lúc bấy giờ có hai rạp art house ở quận 7 và quận Tân Phú; còn Hà Nội có một rạp tại CGV Hồ Gươm. Báo chí khi ấy cũng háo hức khen ngợi mô hình này, vì tin rằng hệ thống art house cinema sẽ mang lại những bộ phim xuất sắc đích thực của điện ảnh thế giới, đáp ứng nhu cầu xem phim của những người tạm gọi “có gu”, mặt khác, cũng là không gian giúp khán giả đại chúng hiểu rằng điện ảnh không chỉ có các phim rửa mắt, giải trí và bom tấn, mà còn có những dòng phim mang dấu ấn về phương pháp nghệ thuật.
Rạp art house cũng mang đến cho khán giả nhiều bộ phim của thế hệ điện ảnh mới Việt Nam từng có phim được tuyển vào các dự án lớn, các phim đoạt giải danh giá quốc tế. Nhà đầu tư CGV có lúc đã đưa mức giá vé của rạp art house về chỉ bằng một nửa giá vé xem phim rạp đại chúng với mục đích khuyến khích khán giả vào rạp xem phim nghệ thuật. Và cũng như nhiều người mê phim art house, tôi đã có nhiều đêm mua vé vào rạp CGV Art House trong tòa nhà Parkson Paragon để xem phim và… chứng kiến cảnh phim chưa hết nhưng rạp đã trống huơ trống hoắc. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, các rạp art house cũng đóng cửa vì… quá ít người xem.
Vậy, phim không giá trị? – không đúng. Chất lượng rạp kém? – không đúng. Truyền thông chưa đủ? – không đúng, thậm chí ngược lại. Vậy thì tại sao?
Không ít lần các nhà kinh doanh rạp đã tỏ ra lúng túng trước câu hỏi mà báo chí đặt ra: tại sao phim A, phim B (cả phim Việt Nam lẫn phim nước ngoài) đoạt giải cao, được công nhận về chất lượng nghệ thuật, nhưng không được ra rạp ở trong nước? Có đặt mình vào vị trí phải giải đáp câu hỏi đó mới thấy việc dung hòa giữa thị hiếu số đông với việc phổ biến giá trị điện ảnh thực sự là một chuyện khó. Ngay cả ở các nước có nền điện ảnh phát triển, việc phải tìm một mô hình rạp để chiếu những phim art house hay việc sử dụng nguồn lợi của phim đại chúng để giới thiệu phim nghệ thuật, là những việc luôn được các nhà kinh doanh và phát triển điện ảnh tính toán một cách nghiêm túc.
Trở lại vấn đề của điện ảnh Việt Nam, cũng là vấn đề của các lĩnh vực nghệ thuật khác, thị hiếu của đại chúng và doanh số có phải là thước đo chất lượng nghệ thuật? – Chắc chắn không, nhưng không hoàn toàn. Vì trên thực tế, nhiều bộ phim nhạt nhẽo, đi nuông chiều thị hiếu đại chúng một cách kém cỏi, cũng bị công chúng quay lưng.
Rạp chiếu phim được sinh ra là để kinh doanh, dựa trên nhu cầu đại chúng chứ không thể phục vụ ý chí của các nhà làm phim dù chất lượng nghệ thuật có thuyết phục đến đâu. Như vậy, thử đặt câu hỏi: đại chúng ở Việt Nam đến rạp để xem gì, thị hiếu như thế nào? Với những trường hợp phim được “đóng chuẩn nghệ thuật”, được thế giới công nhận (như phim Bên trong vỏ kén vàng) nhưng bị khán giả quay lưng từ quầy vé hay bỏ về khi phim đang chiếu, thì có thể tạm kết luận tế nhị là đại chúng bỏ tiền đến rạp để xem những phim ở mức… đại chúng, vậy thôi.
Lời nhắn
Bên trong vỏ kén vàng vẫn còn được chiếu ở rạp. Đây là phim đoạt giải Cannes và được giới phê bình quốc tế khen ngợi, bạn hãy đi xem.
Và với tư cách người đã mua vé đi xem một lần nhưng còn muốn đi xem lại trước khi “phim out rạp”, tôi chúc cho bạn không có những trải nghiệm như tôi.
Nguyễn An Nam
Theo Kinh tế Sài Gòn Online