(SGTT) - Họp chợ bắt đầu lúc nửa khuya. Thương thuyền - ghe lái tranh thủ con nước để cắm sào neo lại. Bến thuyền tấp nập bán mua kéo dài độ vài ba tiếng đồng hồ, đến lúc con nước lên, trời gần sáng thì chợ cũng tan.
- Kích cầu du lịch kiểu Đồng Tháp: Cà phê Chủ tịch, tour “Ruộng nhà mình”
- Về Đồng Tháp, ngủ trên nhà nổi, tự nấu bếp quê, ăn món ngon miền Tây
Làng chiếu Định Yên
“Hò lơ… Ai dzìa xứ chiếu Định Yên
Chợ ma là nét rất riêng Lấp Vò”
Chú Tư đờn hào sảng cất giọng, nghe mang mác. Không biết gió đưa bao xa nhưng bên kia sông dường như có tiếng lơ hò đáp lại. Vẳng theo trong gió, điệu hò lảnh lót tưởng chừng như chỉ sát bên.
Sau bữa cơm chiều, chúng tôi mới có dịp thong thả hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, trông chú Tư vẫn cường tráng như trai trẻ. Nhấp ngụm trà, gác lên bó lát một người ôm không giáp tay; rút cọng lát bẻ gập lại xong thả ra, áng chừng độ dai dẻo, chú hắng giọng: “Thứ này ngoài bãi mọc lềnh, mênh mông lút mắt”.
Rồi như người thầy tận tâm truyền nghề, chú cắt nghĩa, cỏ lát sau khi cắt dưới ruộng đem lên còn xanh rì, dài cỡ mét sáu đến hai mét. Người ta đem đi hong nắng, đến lúc khô chuyển sang màu trắng ngà là có thể dệt luôn thành chiếu trơn.
Dệt nên tấm chiếu còn cần có sợi đay. Đay làm từ cây đai. Sau khi lột vỏ, cạo sạch phơi khô rồi se nhỏ, quấn thành từng cuộn dùng làm khung để cọng lác đan qua dệt lại, dần nên hình chiếc chiếu.
Để chiếu đẹp và sang trọng hơn, lát phải đem nhúng màu, xanh, đỏ, tím hoặc vàng rồi dệt thành các loại chiếu bông, chiếu hoa văn. Tùy theo cách phối màu khi dệt tạo nên các loại chiếu như vảy ốc, con triện, con cò, trà niên... Loại chiếu này thường chỉ dùng vào những dịp trang trọng như lễ tết, cưới hỏi hay giỗ chạp… Dùng xong giặt sạch phơi khô, xếp gọn cất để dành. Còn thường nhật thì dùng chiếu trơn hoặc chiếu in màu trong các sinh hoạt hàng ngày.
Cách phối màu tỉ mỉ lại được dệt nên bởi những người thợ lành nghề, loại chiếu hoa văn màu đã tạo nên thương hiệu chiếu Định Yên cho tới nay. Làng nghề dần thịnh lên, khung dệt máy thay cho dệt tay thô sơ thuở nào. Chiếu xuất xưởng ngày càng bền đẹp, đóng gói bao bì kỹ lưỡng, theo con nước hoặc những chuyến xe chở những tấm chiếu ngày càng đi xa hơn khắp mọi miền đất nước. Không những thế, chiếu Định Yên còn xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Lào. Đặc biệt, theo chú Tư Đờn, ngày càng nhiều đơn hàng đưa thương hiệu chiếu Định Yên đến tận trời Âu, Nga, Hàn quốc…
Định Yên, quê hương của những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái sai cành, trĩu quả. Ngoài công việc đồng áng hàng ngày, nghề dệt chiếu lại se duyên xứ khác, đem êm ái mát mẻ trưa hè, ấm áp đêm đông để cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc.
Nghe chuyện…. chợ Âm phủ
Trời dần khuya, gió xào xạc trên ngọn dừa như vẫy gọi, chú Tư vẫn thong thả chuyện đời sông nước, về ruộng lúa, con trâu cái cày đến thời kỳ đổi mới có máy gặt đập liên hợp đỡ đần công việc đồng áng, bà con rảnh rang hơn nên nghề dệt chiếu dần thịnh lên.
Ngoài bến, thỉnh thoảng thương thuyền vài ba chiếc lác đác nhổ sào, để lại con sóng gợn đẩy thuyền nhấp nhô. Bất chợt, chú Tư Đờn hỏi có ai biết vì sao xứ chiếu này lại có tên chợ âm phủ? Rồi chẳng kịp đợi chúng tôi lên tiếng, chú tiếp lời, bởi chợ họp lúc nữa khuya, thương thuyền - ghe lái tranh thủ con nước để cắm sào neo lại. Bến thuyền tấp nập bán mua kéo dài độ vài ba tiếng đồng hồ, đến lúc con nước lên thì cũng là lúc chợ tan.
“Hồi đó quan Tây và mấy ông Hương chức thu thuế cao lắm, bà con mình mần nghề kêu thấu trời. Rồi mọi người chuyển sang họp chợ vào ban đêm cũng là tránh sưu cao thuế nặng”, chú Tư nói và cho biết, chợ hình thành có hơn trăm năm.
Tới những năm đầu thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, nghề chiếu khá thịnh. Tối đến, cơm nước xong, dọc con đường đất nhão nhoét, chuối mọc lưa thưa ngang qua xóm gò cạnh chùa An Phước xuống đến tận bến thuyền bà con tấp nập người vác chiếu, kẻ kẽo kịt gánh gồng, tay xách ngọn đèn dầu lạc hoặc đèn mù u bánh ú, rộn ràng họp chợ.
Bán mua ở chợ Âm phủ này kể cũng lạ. Người đi mua chiếu thì ngồi một chỗ, còn kẻ bán thì ôm chiếu đi qua, đi lại rao hàng nói giá. Việc xem hàng, trả giá cũng không ồn ào như các chợ khác. Bạn mua xởi lởi vài ba câu, bên bán kì kèo lại đôi lời lấy lệ rồi “thôi bán luôn, dzìa ngủ sớm”.
Tuy nghề dệt lúc thịnh lúc suy, thăng trầm vất vả nhưng vẫn được gìn giữ và kế thừa. Bà con làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn một lòng duy trì theo đuổi để nghề luôn tồn tại và ngày càng phát triển. Từ một làng nghề truyền thống, việc sản xuất chiếu đã được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tương lai, bà con có thể kết hợp vừa sản xuất vừa làm du lịch. Không chỉ phục vụ du khách đến tham quan mà còn lưu trú lại homestay, trải nghiệm cách dệt chiếu trên những khung dệt thô sơ ngày xưa.
Chắc hẳn du khách sẽ vô cùng thích thú với những chiếc chiếu do chính tay mình dệt nên, đem về sử dụng hoặc làm quà tặng thì tin chắc rằng, làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên không những được bảo tồn mà còn phát triển, lan tỏa hơn nữa.
Hữu Long