THÁI NGỌC -
Những tấm thiệp giấy chúc mừng, những tấm postcard (bưu thiếp, bưu ảnh) kỷ niệm một thời tung hoành trên thị trường giờ đây đã dần dần ít đi. Cần chúc mừng, người ta gửi một e-card (thiệp điện tử), cần lưu giữ hình ảnh nơi mình đến và gửi đi, người ta chỉ cần đưa máy ảnh lên, chụp và gửi.
“Chết” vì công nghệ, hồi phục do... phú quý
Đã bốn năm nay, anh Trần Bảo Chính, một kỹ sư công nghệ thông tin làm việc ở quận Phú Nhuận (TPHCM) chưa mua tấm thiệp nào gửi đến người thân, bạn bè dù đó là dịp sinh nhật hay năm mới. Không phải vô tâm nhưng anh Chính có phương pháp khác: thay vì gửi thiệp giấy, anh gửi e-card và gọi điện thoại hay nhắn tin chúc mừng khi cần. “Các ứng dụng công nghệ cho ta sự tương tác tốt hơn giữa người gửi và người nhận”, anh Chính nêu quan điểm.
Suy nghĩ và hành động như anh Chính có thể là điều không còn xa lạ trong thời đại ngày nay, khi mà Internet và các ứng dụng của nó tràn ngập đời sống. Chị Hằng, nhân viên bán hàng của nhà sách Nhân Văn khu vực công viên Lê Thị Riêng (quận 10) nói rằng, so với cách đây năm-bảy năm, khách đến nhà sách mua thiệp đã không còn nhiều người. Như lời chị nói, phóng viên ghi nhận quầy thiệp giấy trong nhà sách này không có khách đến xem cho dù hàng chục phút đồng hồ trôi qua, trong khi nhiều khách hàng khác đang mải mê ở các quầy sách vở, bút viết. Những tấm thiệp giấy ở đây, loại đơn giản thì có giá bán vài ba ngàn đồng, loại làm từ hoa, cỏ khô có giá bán 10.000-25.000 đồng/tấm.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Ánh Nguyệt, Giám đốc Công ty Sản xuất thiệp Bách Việt (TPHCM), cho biết, so với khoảng bảy năm trở về trước thị trường thiệp giảm khoảng một phần ba. Trong đó, thiệp cho dịp lễ Tình nhân (Valentine, ngày 14-2) giảm khoảng 90%, thiệp cho ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) giảm khoảng 70%, thiệp Noel giảm khoảng 50%, thiệp chúc mừng sinh nhật cũng giảm đáng kể. Theo bà Nguyệt, số lượng thiệp giấy giảm nhiều là do ảnh hưởng của thiệp điện tử, mạng xã hội và các thiết bị công nghệ khác, đặc biệt là các loại thiệp được giới trẻ sử dụng nhiều.
Nói về chuyện này, bà Trần Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Thiệp Gia Long, có trụ sở tại quận Gò Vấp, cho rằng riêng mảng thiệp dịp Noel của công ty bà bán ra trong khoảng năm năm trở lại đây giảm hơn 50%. Các loại thiệp như thiệp sinh nhật, Valentine giảm khoảng 30%. Bà Phương cũng có cùng nhận định như bà Nguyệt, rằng loại thiệp này giảm do ảnh hưởng của các loại thiệp điện tử sử dụng qua các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên theo bà Phương, các loại thiệp chúc mừng ngày Báo chí, ngày Thầy thuốc, ngày Doanh nhân… thì lại tăng lên. “Những loại thiệp này năm sau so với năm trước có khi tăng đến gấp đôi. Có thể khi đời sống phát triển họ chú ý chuyện lễ nghĩa, giữ mối quan hệ trong công việc nhiều hơn”, bà Phương nói.
Postcard cầm cự
Tại khu bán hàng lưu niệm ở Bưu điện trung tâm TPHCM, các nhân viên bán hàng ở đây cho biết lượng postcard bán ra không thấy giảm đi so với những năm qua. Giá bán mỗi tấm postcard ở đây dao động từ 9.000 đồng đến 35.000 đồng. Người mua chủ yếu là du khách nước ngoài. Tại đây, sau khi mua xong khách vào bưu điện gửi đi rất tiện. Theo chị Nhân, một nhân viên bán hàng tại bưu điện, vài năm về trước, khách hàng người Việt mua hàng chục tấm bưu thiếp gửi cho bạn bè, người thân ở nước ngoài là chuyện thường. “Bây giờ, đó là chuyện hiếm, nếu không muốn nói là không thấy lại bao giờ”, chị Nhân nói.
Cách bưu điện không xa, quầy bán hàng lưu niệm của chị Phượng tại đường Nguyễn Thiệp (quận 1) hầu như vắng người mua postcard. Chị Phượng cho biết trước đây postcard được bày ra ngoài để bán, nhưng giờ bán chậm quá nên xếp vào bên trong, có khách hỏi mới đưa ra. “Hai năm nay tôi không nhập hàng mới do có khi cả tháng mới bán được cho vài khách”, chị Phượng nói.
Tương tự, cửa hàng bán đồ lưu niệm của chị Thiện Thanh tại đường Mạc Thị Bưởi (quận 1) cũng rơi vào tình trạng “thi thoảng lắm mới có người hỏi mua thiệp”. Chị Thanh nói rằng postcard ế có thể do khách du lịch sử dụng điện thoại, máy chụp hình tại nơi mình đến để gửi cho bạn bè, hoặc đưa lên mạng xã hội.
Tại cửa hàng Butterfly trên đường Đồng Khởi (quận 1), nhân viên bán hàng cho biết, vẫn còn người mua postcard nhưng so với trước đây thì giảm hơn nhiều. Khách đến từ Mỹ, châu Âu thường hỏi mua trong khi khách từ các nước châu Á hiếm khi hỏi đến postcard mỗi khi mua hàng lưu niệm.
Nhà nhiếp ảnh Đoàn Đức Minh, người có kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất postcard, cho biết sản phẩm này chủ yếu bán cho khách nước ngoài, đây là nét văn hóa của du khách phương Tây. Tuy nhiên, ông Minh nói rằng trong khoảng tám năm trở lại đây, lượng postcard mà ông bán ra giảm 30% so với trước. Lý do giảm, theo ông Minh là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến những ảnh hưởng từ các thiết bị công nghệ cũng như nhiều người Việt Nam hiện tham gia sản xuất postcard.
Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên sản xuất và phân phối các loại postcard trên cả nước, nhận định rằng vài năm trở lại đây lượng postcard có giảm nhưng không nhiều. “Mặt hàng này chủ yếu giảm ở lượng khách châu Á chứ khách phương Tây không giảm. Khách Tây mười người thì hết tám người mua postcard, đó là đặc trưng của họ”, ông Thắng nói.