THIÊN THẢO -
Mỗi tháng ít nhất một lần tôi phải đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM để khám bệnh. Thấy cảnh chen chúc của nhiều bệnh nhân, kẻ trải chiếu nằm vật vạ chờ, người ôm con ngồi ở góc cầu thang chờ đến lượt khám, tôi lại mong sao các bệnh viện mới sớm xây xong để người dân đỡ khổ.
Cảnh quá tải trong Bệnh viện Nhi đồng 1 báo chí đã viết khá nhiều. Con tôi cũng đã từng nằm hành lang khoa Hô hấp của bệnh viện khi mà có lúc mỗi giường mà bệnh viện sắp xếp đã có ba em bé nằm. Nỗi lo của cha mẹ các bé chính là việc lây nhiễm chéo khi nằm chung như vậy. Lại nữa, môi trường ẩm thấp, nhiều người nhà bệnh nhân giặt giũ, phơi đồ, ăn uống, ngủ nghỉ ngay hành lang bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn với trẻ em.
Năm 2014, khi nghe nói Bệnh viện Nhi đồng TPHCM quy mô 1.000 giường đã khởi công tại huyện Bình Chánh, tôi rất vui. Dẫu gì những đứa trẻ từ miền Tây khi có nhu cầu chữa bệnh tại TPHCM có thể ghé bệnh viện này. Như vậy, hai bệnh viện nhi chính ở TPHCM sẽ giảm bớt tình trạng chung giường, nhếch nhác trong khuôn viên như bao lâu nay.
Vậy mà qua báo chí, tôi thấy Bệnh viện Nhi đồng TPHCM đến tháng 6 năm nay phải giao phần thô nhưng đến nay mọi thứ vẫn đang dang dở và dường như nhiều bệnh viện công mới khởi công gần đây cũng đều trong tình trạng chậm tiến độ.
Người dân có con bị bệnh như tôi lại phải tiếp tục chờ đợi các bệnh viện mới, vẫn phải tiếp tục “sống chung với quá tải” trong các bệnh viện ở TPHCM.
Có một thực tế là rất nhiều người bệnh ở các tỉnh đến TPHCM chữa trị và tình trạng quá tải bệnh viện ở TPHCM, tôi cho rằng có nguyên nhân này. Do vậy nếu xây thêm bệnh viện ở TPHCM nhưng các tỉnh không “chia lửa” bằng cách nâng cao chất lượng khám bệnh, đầu tư trang thiết bị và tuyên truyền để người dân nắm rõ và khám tại bệnh viện các tỉnh, thì cảnh quá tải của các bệnh viện ở TPHCM có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.