Tôi đã từng lớn lên cùng với những kỷ niệm đẹp về đêm giao thừa ngồi thức canh nồi bánh chưng và tôi muốn con mình cũng thế!
Khi còn nhỏ, bố tôi hay dạy tôi cách gói bánh chưng. Tôi nghe xong rồi ừ ừ vì là chuyện nhỏ mà. Gói bánh chưng chỉ là xếp lạt hình chữ thập, lựa một tàu lá đẹp, cho sống lá vào trong lót xuống đáy khuôn, xếp một lá khác ngang qua, kỹ thì thêm một lá nữa xếp xéo, gập góc lá, đổ gạo, thịt, đậu vào rồi gập lá chứ có gì đâu! Ngày còn bé, điều mà tôi thích là chỉ ngồi chờ lá gói bánh dư rồi xé ra tết hình con rồng hoặc cắt cuống lá lấy thun bó lại thành súng chơi.
Khi lớn lên, tôi cũng thường tổ chức gói bánh chưng tại nhà. Cả nhà chở nhau ra khu ngã ba Ông Tạ (quận Tân Bình, TPHCM) - nơi đã bán lá dong trứ danh mấy mươi năm để lựa hai cái khuôn vừa vừa, bó lá dong lớn và một bó lạt. Tôi đã rất vất vả trong lần đầu tiên tự mình gói bánh chưng và lúc đó, cái khổ của tôi là ngày xưa không học việc này cho đến nơi đến chốn. Tôi đành phải gói theo bản năng của mình vì bố đã mất rồi nên đâu có ai sửa dạy tận tình như ông ngày xưa. Tôi cho nếp mỏng, dàn nhiều đậu một chút, đặt mấy miếng thịt vô, lại một lớp đậu rồi phủ nếp lên, chỉ cần nhìn thôi đã nghĩ bánh ngon rồi vì nó đúng ý của mình. Ôi chao, cái bánh đầu tiên méo mó như lai giữa bánh chưng và bánh dày. Cả nhà nhìn nhau rũ ra cười.
Tự gói bánh chưng rất sướng vì có quyền làm tất cả những gì mình thích, nếu thích bánh đậm đà thì cho muối nhiều hơn một chút. Cả nhà tôi rộn ràng, ông chồng trải một tấm bạt lớn ra giữa sân nhà để các thành viên trong nhà cùng nhau ngồi gói bánh. Vì cái nồi luộc cũng không lớn lắm nên mỗi người chỉ được một cái, ai cũng tự gói bánh cho riêng mình. Gói xong xếp đứng bánh vô nồi, còn bao nhiêu lá cọng dồn hết chèn bánh cho chặt cứng. Bắt đầu những phút giây canh bánh, rồi con tôi cũng “rơi rớt, gục ngã” không khác gì tôi ngày xưa, đứa đi ngủ, đứa đi chơi lắp ráp. Đúng là đâu có đứa trẻ nào đủ kiên nhẫn để canh bánh đến mười mấy tiếng!
Tôi thích cái bánh chưng béo mỡ, phải là thịt ba chỉ loại nhiều mỡ, ướp muối đường phơi chút nắng cho trong. Tôi thích bánh chưng vừa ăn, nếp mỏng thôi, miếng thịt to, đậu xanh tán nhuyễn đậm đà. Tôi không thích bánh nhiều nếp, không thích thịt nạc vì nó khô lắm, không béo mềm môi và tan trong miệng như mỡ.
Lúc mua thịt gói bánh, tôi cũng đã chuẩn bị nồi thịt kho trứng, nồi măng khô hầm giò. Lúc canh bánh là lúc bóc vỏ trứng, tước măng khô. Bây giờ nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện để nấu nướng nhưng những món ăn ngày tết phải nấu bếp than, phải nấu chậm bằng thứ năng lượng đượm hồng, không thể dùng nồi áp suất vì món ăn dù ngon đến đâu vẫn không bằng bếp than. Tôi cời ra một ít than đỏ của bếp bánh chưng, bắc thêm hai nồi thịt. Lòng hạnh phúc lâng lâng nhìn từng trái trứng trắng tươi trên mặt nồi kho rệu, những miếng thịt trở màu nâu cánh gián do nước dừa sắc lại. Lúc này, còn gì tuyệt hơn là tranh thủ muối chút dưa giá hẹ ăn xổi, cắt dưa cải muối ba ngày nữa khi nồi thịt sắc lại thì chấm cải chua.
Những món ăn truyền thống ngày tết, dù đã ăn quanh năm thì gặp lại chúng trên mâm cơm tết vẫn còn đầy ý nghĩa, hương vị riêng. Những miếng măng đậm đà chứa tinh túy của những khoanh giò heo hầm mềm. Làm món này phải rất kỳ công, nếu hầm giò chưa rục thì măng chưa thấm, mà hầm giò mềm thì không còn gân giòn nên phải có hai lần giò. Một nửa hầm cho mềm thấm măng, một nửa sau này thả thêm vô canh cho chín vừa giòn sần sật thì múc ra chấm vô chén mắm tiêu ớt thiệt cay, phải ăn vậy mới đã! Canh nồi bánh chưng, tôi nhắc ghế tỉa rau củ, tách vỏ me, bào dừa sên mứt… để cả nhà có đủ món ăn chơi trong những ngày tết. Ông chồng ngồi kế bên nói chuyện rủ rỉ, những phút giây tuyệt vời chắc không bao giờ quên!
Năm nay, tôi sẽ lại gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn quen thuộc cho những ngày tết. Những ngày cận tết năm nào Sài Gòn cũng nắng đẹp. Chắc ông trời đãi người phương Nam nhiều nắng để phơi mứt, phơi hành, làm cá một nắng, làm thịt muối sả… để nhâm nhi ba ngày tết. Các món ăn tết vẫn đậm đà hương vị vì chúng gói gọn công sức, niềm vui của các thành viên gia đình, để sau này đi xa, các con của tôi ắt phải nhớ về những ngày thơ ấu, như tôi hôm nay!
Nguyễn Phạm Khánh Vân