NGUYỄN KIM OANH -
Một buổi sáng trời Sài Gòn vắng lặng hơn mọi ngày, tôi bỗng muốn đi đâu đó xa một chút, thế là một mình đón xe đi Nam Lào. Mọi người trên xe đều cởi mở, hóa ra ai cũng yêu thích du lịch nên chúng tôi nói chuyện huyên thuyên không ngớt về những chuyến đi. Có người qua đây thăm bạn, có người du lịch, và cũng có người qua đây làm ăn sinh sống nên có thể hỏi trước thông tin về đường đi hay chỗ vui chơi khi đến Lào.
Chợt như thấy mình ở Tây Nguyên
Di chuyển bằng xe buýt đối với tôi đó cũng là điều thú vị của chuyến đi. Tôi thích cái cảm giác được đi, thích cảm giác ngồi trên tàu, trên xe, và nhìn qua cửa kính là hình ảnh nhà cửa, cây cối, cánh đồng, núi non từ từ lùi về phía sau trong khi tôi thì lao về phía trước. Những chuyến đi khiến tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Xế chiều khi nhà xe bắt đầu vào trung tâm Pakse, tôi xuống xe ở ki lô mét 21, bắt đầu khám phá một góc Nam Lào.
Ngày đầu, tôi lấy xe máy chạy lên thị trấn Paksong (thuộc cao nguyên Baloven, tỉnh Champasak) ngồi uống cà phê một mình ở một quán ven đường, nhìn ngắm người qua lại, cảm nhận cuộc sống quanh đây. Thật tình cờ là trong quán cũng có một vài người Việt, hỏi thăm được biết là quê ở Quảng Nam qua đây làm ăn, gom góp tiền mua đất trồng cà phê.
Paksong khá nghèo, và có lẽ cũng vì vậy mà không xô bồ náo nhiệt. Dọc hai bên đường vào trung tâm có nhiều hàng quán và đa số được cất dựng sơ sài, tạm bợ. Ở bến xe khách, lác đác vài chiếc xe nằm trong bến chờ đón khách đi các nơi, đất đỏ bám đầy xe, bụi bay đầy người khi có một chiếc xe chạy ngang. Vài ba chiếc xe mang biển số xe Việt Nam, thuộc các tỉnh miền Trung, dừng đón khách. Người Việt qua đây làm ăn buôn bán khá đông, đặc biệt nơi đây được xem là vùng trồng cà phê ngon nhất của Lào.
Dự định đi thăm mấy cái thác gần trung tâm Paksong nhưng mới hơn 10 giờ sáng mà mây đen kéo kín bầu trời, báo hiệu mưa lớn, cho nên tôi quay đầu xe lại và chỉ ghé thác Tad Yuang gần nơi tôi ở.
Thác Tad Yuang đẹp và có tiếng, nằm ở ki lô mét 40 trên đường đi Paksong. Thác nước đôi này rơi 40 m xuống một hồ sâu bao quanh bởi thảm thực vật tươi tốt. Nó có thể là một nơi phù hợp để thư giãn hay dã ngoại cuối tuần, tựa như đi chơi thác ở Tây Nguyên Việt Nam.
Tham quan Tad Yuang chừng một giờ tôi về lại resort, nơi cũng có ngọn thác tên Tad Fane. Thác Tad Fane cao 120 m, chỉ nhìn được từ trên cao chứ không có lối nào dẫn xuống chân thác, nên đa phần mọi người ở đây nghỉ dưỡng là chính. Khu vực này cây cối xanh tươi, yên tĩnh, không khí trong lành, có thể ngắm thác Tad Fane từ resort nơi mình ở.
Từ Tad Fane ở ki lô mét 38 chúng tôi đi về Tadlo theo hướng lên Paksong, tiếp tục chạy theo quốc lộ 16 đi Tadlo rồi về lại Pakse theo con đường 20. Tadlo đón chúng tôi bằng những cơn mưa nặng hạt trên đường, qua những rẫy cà phê trái vẫn còn xanh như màu lá, qua những thị trấn dân cư thưa thớt chiều mờ hơi sương, qua những cánh đồng lúa mượt mà như mọi người thường miêu tả là đang thì con gái và cuối cùng là một đoạn đường tắt lầy lội theo bảng chỉ dẫn để đến với thị trấn Tadlo.
Cưỡi voi, ngắm cảnh
Tadlo thuộc cao nguyên Baloven tỉnh Salavane ở Nam Lào, phía Tây giáp với Thái Lan, khí hậu mát mẻ, cách Pakse 85 km, nơi có ba thác nước nổi tiếng là thác Tad Lo, Tad Hang và Tad Suong.
Buổi tối chúng tôi chạy lòng vòng rồi ghé vào một quán ăn địa phương vì thấy trước quán đang nướng thịt thơm lừng. Món nướng là một trong những món đặt trưng của người Lào nên đi đâu cũng có thể thưởng thức món này, thường thấy là các món cá nướng, thịt nướng, hay nội tạng nướng như lòng heo nướng, lòng gà nướng, thậm chí cả phao câu gà cũng nướng. Mấy món này thường ăn với cơm gạo dẻo. Ở ngôi chợ nhỏ Tadlo cũng thế, chúng tôi dạo quanh tìm đồ ăn sáng thì cũng là những món nướng ăn với cơm nếp và rau trộn salad kiểu Lào.
Đến Tadlo chúng tôi không quên đi cưỡi voi vì đây là tour mà mọi người thường tham gia nhất sau khi tham quan ba thác nổi tiếng ở nơi này. Chúng tôi bắt đầu tour cưỡi voi dọc con thác Tad Lo, dòng thác chảy cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống, phóng qua những mõm đá cao, chỉ có tiếng chân voi đi phá tan sự yên tĩnh nơi đây. Lần đầu cưỡi voi, cái cảm giác lắc lư, chênh vênh trên loài động vật lớn nhất rừng xanh khiến chúng tôi không khỏi thích thú.
Tadlo mùa này cây cối tươi tốt, những thảm cỏ xanh mướt mọc đầy lối đi, thị trấn mang dáng vẻ bình yên với cuộc sống giản dị, sự chân chất của người dân ở vùng du lịch chưa phát triển là điều mà mọi người thích lưu lại nơi đây. Chúng tôi hết cưỡi voi thì ra bờ thác nằm dài trên những tảng đá lớn có bóng râm, nhắm mắt nghe tiếng thác reo, dòng nước cuồn cuộn chảy, buổi tối nghe tiếng ếch nhái hòa tấu trong đêm sau cơn mưa nặng hạt, nằm trò chuyện cho đến mắt mỏi mới đi ngủ.
Sau khi trả phòng nghỉ ở Tadlo, chúng tôi tiếp tục lên đường về lại Pakse theo quốc lộ 20, đây cũng là một điều thú vị khi khám phá một góc Nam Lào bằng xe máy. Chúng tôi chạy bon bon trên con đường xa quạnh vắng, không khí rất dễ chịu, đường quốc lộ tuy nhỏ nhưng khá tốt. Chúng tôi phóng băng băng trên con đường, bỏ lại phía sau lưng là những vạt rừng, cánh đồng lúa, khu dân cư, những nông trường cao su bạt ngàn màu xanh...