Chí Thịnh -
Bộ Công Thương chủ trì một đề án phát triển thị trường trong nước, trong đó có việc thành lập các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại nhiều tỉnh, thành. Các điểm bán hàng này sẽ phải đảm bảo 100% sản phẩm là hàng Việt Nam.
Hàng Việt Nam được bán trong siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thành Hoa
Tại buổi tọa đàm trực tuyến mới đây về tình hình phân phối hàng Việt Nam ở kênh bán lẻ hiện đại, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết bộ đang triển khai việc tăng cường bán hàng Việt Nam tại các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, tiệm tạp hóa…), nhưng muốn vậy cần có sự tham gia tích cực ở từng địa phương.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước cho biết, theo đề án trên thì hiện đã xây dựng khoảng 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định ở một số tỉnh, thành như TPHCM, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Ninh Bình… Ngoài ra, các địa phương không chỉ phát triển điểm bán hàng Việt Nam ở các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh trực thuộc công ty, mà cũng đã tổ chức được các điểm bán ở một số chợ.
Còn theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho tới nay các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng chỉ mới đạt gần 30% thị phần, các kênh phân phối truyền thống (tạp hóa, chợ…) vẫn đang chiếm tỷ lệ cao, tới 70%. Do đó, việc doanh nghiệp trong nước mở rộng phân phối ở các kênh bán hàng như tiệm tạp hóa, chợ… sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh.
Bộ Công Thương cũng đang tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa các đơn vị sản xuất trong nước với các nhà phân phối, bao gồm các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị lớn. Đồng thời, bộ sẽ thường xuyên khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ, nhu cầu mua bán của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tích hợp để cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kết nối cung cầu.
Đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0% cùng với các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực, do đó, nếu không tạo ra ưu thế và tìm cách “cắm rễ” ở các hệ thống phân phối thì hàng Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), cho biết Big C cũng như các siêu thị khác sẽ chọn lựa hàng hóa đưa vào siêu thị với giá bán hợp lý, nguồn hàng cung cấp ổn định, được nhiều người tiêu dùng quan tâm… Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo các tiêu chí vừa nêu.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho biết các nhà bán lẻ trong nước đang tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối hiện đại. Họ đã tổ chức các chương trình kết nối trực tiếp với các đơn vị sản xuất để đưa hàng Việt Nam vào siêu thị. Bà Loan cũng nói thêm, trong kế hoạch đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao vừa qua vẫn chưa đề cập tới vai trò của nhà bán lẻ. Theo bà Loan, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự tham gia của các nhà bán lẻ, đây là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa tới tay người tiêu dùng.