Trong văn hóa ẩm thực ngày tết của một bộ phận người dân Việt, bánh chưng là món ăn không thể thiếu ở mâm cỗ cúng, cũng như những bữa cơm ngày xuân. Giữa những lựa chọn mâm cỗ cao đầy, sau tết, bánh chưng thường sẽ còn dư thừa đi nhiều.
- TPHCM: Lò bánh tét, bánh chưng ‘sáng đêm đỏ lửa’ phục vụ Tết
- Người Việt tìm thông tin du lịch Đài Loan, cách nấu bánh chưng nhiều nhất năm 2023
- TPHCM: Rộn ràng thi gói bánh chưng mừng Giỗ Tổ Hùng Vương
Để tránh nhàm chán khi thưởng thức bánh chưng khi còn dư nhiều, đầu bếp đã gợi ý một số công thức làm mới chúng.
Bánh chưng chiên nước lọc
Bánh chưng chiên là một kiểu chế biến rất đặc trưng của món bánh chưng, nhưng nay nó được đầu bếp giảm bớt lượng dầu mỡ bằng cách cho thêm nước lọc khi chiên. Cụ thể, chuẩn bị một chảo ăn, cho nước lọc xâm xấp mặt bánh rồi nấu lửa vừa. Khi nước sôi cạn thì giảm nhỏ lửa, dàn bánh mỏng và đều. Quan sát khi nước gần cạn hết thì đảo mặt bánh chưng, chiên đến khi vàng đều 2 mặt là hoàn tất.
Pizza bánh chưng
Bạn là tín đồ của món pizza và bánh chưng thì đây là sự kết hợp thú vị nên thử qua. Để làm pizza bánh chưng, mọi người cần chuẩn bị bánh chưng, ớt chuông, hành lá, cà rốt, đậu Hà Lan hay các thức ăn kèm trên mặt bánh như xúc xích, thịt xông khói, thanh cua và quan trọng nhất là phô mai tan chảy.
Đầu tiên, cho bánh chưng vào âu cùng trứng gà rồi dằm cho thật nhuyễn. Cho bánh vào chảo dầu và dàn đều để tạo đế bánh pizza. Còn lại, cho tất các nguyên liệu vào để làm nhân bánh trải đều trên vỏ bánh, đậy nắp rồi chiên đến khi thấy bánh chín là hoàn tất.
Bánh chưng bọc khoai
Bánh chưng bọc khoai là món ăn có thêm sự béo bùi từ khoai lang, nước cốt dừa. Nguyên liệu cần chuẩn bị là bánh chưng, khoai lang vàng, nước cốt dừa, bột năng, đường, đậu phộng, hành lá và gia vị.
Đầu tiên, trộn hỗn hợp nước cốt dừa, nước lọc, bột năng, đường, nấu sôi nhỏ lửa và khuấy đều đến khi sền sệt. Tiếp đến, nấu dầu ăn cho nóng rồi cho phần hành lá đã cắt vào đảo đều. Tiếp theo, luộc khoai (bỏ vỏ) rồi cho 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê mỡ hành, đánh đều nhuyễn. Cuối cùng, cho bánh chưng vào hấp cách thủy hoặc bỏ lò vi sóng cho mềm. Sau đó, nhồi nhuyễn thành một khối mịn dẻo. Tiếp theo, dàn chỗ nếp này lên tấm nylon sạch thành hình chữ nhật, cho khoai lên trên bề mặt rồi cuộn lại, chiên ngập dầu cho đến khi vàng giòn vớt ra. Dùng kéo cắt bánh, rưới nước cốt dừa và mỡ hành, đậu phộng giã nhỏ lên, ăn nóng.
Kimbap bánh chưng
Kimbap là món ăn truyền thống của quốc gia Hàn Quốc, nhưng nay nó được làm mới hơn cùng nhân bánh là bánh chưng. Các bước thực hiện món ăn này đơn giản, chỉ cần cắt mỏng bánh chưng, dầm nhuyễn rồi chiên bằng nước đến khi se mặt tắt bếp.
Tiếp theo, đặt tấm rong biển lên mặt phẳng, dàn đều bánh chưng và cho phần nhân có sẵn hoặc còn tồn đọng sau tết như giò, xúc xích cắt sợi dài, rau củ, trứng chiên... vào và cuộn lại thật chặt tay. Cuối cùng, dùng dao sắc nhúng nước nóng hoặc thoa chút dầu ăn rồi cắt kimbap thành các miếng vừa ăn. Thưởng thức chấm cùng sốt mayonnaise pha lẫn tương ớt, tương cà tùy khẩu vị.
Cháo bánh chưng
Cuối cùng, trong những cách làm mới bánh chưng là đem chúng nấu thành cháo. Nghe qua có vẻ lạ tai nhưng thực tế cháo bánh chưng lại là món ăn bắt vị và dễ thưởng thức. Nguyên liệu gồm có bánh chưng, gia vị mắm, tiêu, hạt nêm, chà bông, thịt gà, thịt heo (tùy thích) và hành lá.
Đầu tiên, cho phần bánh chưng vào nồi nước nấu sôi, có thể cắt nhỏ bánh chưng ra để bánh nhanh tan hơn. Đến khi thấy bánh mềm hơn dùng muỗng khuấy và dầm bánh chưng hòa quyện vào nước. Sau đó, cho thêm chút muối, hạt nêm hoặc nước mắm sao cho vừa miệng. Tiếp đến, cho phần nhân cắt đều và hạt nêm nêm nếm lại.
Phúc An tổng hợp