Mặt bằng trung tâm TPHCM vẫn tiếp tục ‘chờ’ khách thuê
(SGTT) - Nhiều mặt bằng tại các khu vực trung tâm của TPHCM như quận 1, quận 3, quận 5... vẫn rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”, dán dày đặc bảng tìm người thuê mới.
Theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn Online, dù tuyến đường Lê Lợi (quận 1) đã thông thoáng, sạch đẹp, du khách nước ngoài đi lại thường xuyên nhưng nhiều căn nhà vẫn treo bảng cho thuê và thậm chí không có người thuê.
Tuyến đường này hiện có hơn 10 mặt bằng vẫn còn bỏ trống với thông báo cho thuê.
Chị Hồng – người thuê mặt bằng tại đường Lê Lợi, cho biết dù đây là vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh khá chậm khiến chị phải quyết định trả mặt bằng và tìm kiếm vị trí khác có giá rẻ hơn để kinh doanh. Giá thuê mặt bằng tại căn nhà chị Hồng vừa trả không được tiết lộ, nhưng theo chị, các mặt bằng khác trên tuyến đường này có giá từ 100 triệu đồng trở lên, tùy theo kích thước.
Theo thông tin từ một trang web chuyên về cho thuê mặt bằng, giá thuê các mặt bằng trên đường Lê Lợi dao động từ 5.000 đô la Mỹ trở lên mỗi tháng, tùy theo kích thước.
Không chỉ riêng tuyến đường Lê Lợi, nhiều "mặt tiền vàng" khác tại trung tâm TPHCM cũng dán đầy biển cho thuê suốt nhiều tháng nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Trong ảnh là một mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) hiện trở thành bãi để xe tự phát...
Hay là nơi nghỉ trưa của các xe ôm công nghệ...
Ngôi nhà mặt tiền đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1) dày đặc các bảng quảng cáo cho thuê. Ảnh trái màn hình được chụp ngày 16-3-2023 và ảnh phải màn hình được chụp vào ngày 2-7-2024.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5) – phố thời trang nổi tuyến nhộn nhịp của TPHCM. Trên con đường này, có hơn 20 cửa hàng đã đóng cửa và đang cho thuê mặt bằng.
Nhiều cửa hàng treo biển "xả hàng, trả mặt bằng" để cố gắng bán hết hàng tồn trước khi đóng cửa. Những đoạn đường có đến 2-3 cửa hàng liên tiếp đều đồng loạt trả mặt bằng.
Đường Lê Văn Sỹ (quận 3 và quận Phú Nhuận) cũng tập trung đông đảo các cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang. Nhưng hiện nay, cũng có khá nhiều mặt bằng đang “cửa đóng then cài”.
Chị Thu Thanh, một người kinh doanh trên đường Lê Văn Sỹ, cho biết hiện nay kinh doanh quần áo rất khó khăn do sức cạnh tranh cao. Khách hàng có nhiều lựa chọn mua sắm, khiến các shop phải đa dạng hóa hình thức kinh doanh, đặc biệt là đẩy mạnh bán hàng online. Để giảm chi phí mặt bằng, nhiều shop có xu hướng chọn các mặt bằng trong hẻm, thay vì các vị trí mặt tiền.
Cửa hàng đóng cửa, dán chi chít các thông báo quảng cáo cho thuê là hình ảnh quen thuộc trên những con phố sầm uất của TPHCM.
Lê Vũ