Nếu những biện pháp mới được triển khai rốt ráo thì nhiều khả năng người dân sẽ nhận được giấy chủ quyền nhà, đất (sổ hồng, sổ đỏ) sớm hơn, đồng thời sẽ hạn chế tình trạng chây ỳ làm sổ khiến không ít người dân khổ sở.
Tìm cách gỡ vướng
Có một thực tế là nhiều chủ đầu tư đã thế chấp sổ đỏ dự án của mình cho ngân hàng để vay vốn, nhưng việc giải chấp của chủ đầu tư chậm hoặc mất khả năng chi trả nên không thể tiến hành làm sổ cho người mua nhà. Ở một số dự án, nhiều người mua nhà đã đóng đủ tiền cho chủ đầu tư nhưng việc làm sổ hồng bị “ngâm” từ năm này sang năm khác, khiến họ như người đang ở trọ trong chính ngôi nhà của mình.
Tại cuộc họp của UBND TPHCM về giải quyết việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà tại các dự án ngày 17-11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND thành phố, cho biết trong các cuộc tiếp xúc với người dân, các đại biểu đều nghe than phiền về tình trạng chậm cấp giấy chủ quyền nhà. Song, giải quyết vấn đề này không đơn giản, bởi làm thế nào có thể cấp giấy cho người dân trong khi các chủ đầu tư đang “cắm” (cầm cố) sổ đỏ của dự án tại ngân hàng.
Có đại biểu nêu ý kiến, theo quy định của pháp luật, tài sản đã thế chấp thì không được mang ra mua bán. Trong khi đó, người dân mua nhà tại dự án được hình thành trong tương lai lại hoàn toàn hợp pháp. Do đó, đại biểu này đề nghị, cơ quan cấp giấy chứng nhận cần xử lý linh hoạt cho từng trường hợp cụ thể, bằng cách mời các bên liên quan bao gồm ngân hàng-chủ đầu tư-khách hàng cùng giải quyết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng đề xuất cách thức giải quyết từng dự án cụ thể để cấp sổ hồng cho người dân. Không thể cấp giấy chứng nhận đồng loạt cho tất cả người dân đã mua nhà tại các dự án xảy ra tình trạng trên, vì như vậy sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng, theo vị này.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng không thể mỗi dự án lại có một quan điểm xử lý khác nhau mà cần có sự thống nhất, toàn diện. Ông Tín khẳng định chính quyền có trách nhiệm trong vấn đề này vì chính quyền có cho phép chủ đầu tư xây dựng thì người dân mới tin để mua nhà tại các dự án. Khi họ vướng vào những rắc rối thì chính quyền phải có trách nhiệm gỡ vướng và đảm bảo cho người dân được cấp giấy.
Ông Tín chỉ đạo các sở ban ngành và UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư đã trả hết nợ cho ngân hàng hay chưa.
Khi cấp giấy chứng nhận cho các hộ đã mua nhà trong dự án, cơ quan chức năng sẽ niêm yết công khai và gửi đến ngân hàng, nơi chủ đầu tư đang thế chấp dự án để vay vốn. Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ra thông báo, nếu các ngân hàng có ý kiến thì UBND quận, huyện hướng dẫn ngân hàng và chủ đầu tư xử lý phần nợ và tài sản thế chấp theo hướng chỉ thế chấp phần tài sản thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không có ý kiến thì UBND quận, huyện tiến hành thủ tục cấp giấy cho người dân.
Phạt chủ đầu tư
Từ ngày 25-12 tới, các tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán sẽ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, người nhận quyền sử dụng đất kể từ ngày bàn giao cho người dân. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký bàn giao nhà, đất, chủ đầu tư phải làm sổ cho người mua, nếu chậm trễ có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Đây là nội dung của Nghị định 102 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mới được ban hành.
Cụ thể, mức phạt cao nhất sẽ áp dụng cho chủ đầu tư chậm làm sổ trên 12 tháng trở lên sẽ khoảng 100-300 triệu đồng trong trường hợp chậm làm thủ tục dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; khoảng 300-500 triệu đồng nếu chậm làm thủ tục cho 30-100 hộ gia đình, cá nhân; và mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng áp dụng cho trường hợp chậm làm thủ tục cho 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.
Tuy nhiên, một chuyên gia bất động sản tại TPHCM cho rằng, mức phạt như trên chỉ là “giơ cao đánh khẽ” vì mức phạt tối đa 1 tỉ đồng là khoản tiền không lớn đối với một doanh nghiệp địa ốc. Ngoài ra, thời điểm để tính khoảng thời gian xử phạt “kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở” là không hợp lý bởi lẽ, thời gian này ở mỗi dự án nhà ở là khác nhau, tùy thuộc vào hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Theo chuyên gia này, thời điểm trên cần được chỉnh lại là kể từ khi khách hàng đóng đủ 95% số tiền mua nhà (theo thông lệ, người mua nhà được giữ lại khoảng 5% giá trị hợp đồng và sẽ nộp số tiền này cho chủ đầu tư khi được cấp sổ – PV).
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Xây dựng Lê Thành, nêu thực tế việc làm thủ tục cấp sổ cho khách hàng không chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư mà còn phụ thuộc vào cơ quan chức năng liên quan. Do vậy, cần có những văn bản quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng để có được một cơ chế ràng buộc, từ đó mới hy vọng khách hàng sẽ sớm có được sổ đỏ, sổ hồng khi mua nhà, đất.
Mạnh Tùng