Ngọc Ánh -
Đưa hoạt động đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội là một mục tiêu quan trọng mà các trường đại học, cao đẳng đang hướng tới. Và trong làn sóng khuyến khích hoạt động khởi nghiệp nơi giới trẻ, một số trường đại học đã mở thêm chuyên ngành mới.
Việc các trường đại học cho ra đời ngành học mới không chỉ nhằm nắm bắt những xu hướng phát triển mới của nền kinh tế mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
Tạo sức hút cho ngành học
Các chương trình đào tạo về khởi nghiệp sẽ giúp người học hiểu một cách đúng đắn về hoạt động này, tránh tình trạng chạy theo phong trào trong khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng để có thể khởi nghiệp thành công. Ảnh minh họa: Bùi Dũng
Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Trong năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nhận được khoản đầu tư lớn và được tiếp sức trên chặng đường phát triển của mình. Sự quan tâm của xã hội đã thúc đẩy nhu cầu khởi nghiệp trong giới trẻ tăng lên, từ đó cũng đặt ra nhu cầu cho ngành giáo dục về việc cung ứng các dịch vụ đào tạo phù hợp với thực tế.
Để khởi nghiệp, các bạn trẻ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nhất định, đặc biệt là về phương pháp quản trị rủi ro. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo về khởi nghiệp sẽ góp phần giúp sinh viên tự tin hơn để dấn thân khởi sự kinh doanh.
Trong mùa tuyển sinh 2017 này, trường Đại học Kinh tế TPHCM sẽ có thêm chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp nằm trong ngành Quản trị kinh doanh, với chỉ tiêu tuyển sinh là 50 sinh viên. Theo thông tin từ nhà trường, bắt đầu từ năm học thứ ba, sinh viên sẽ học chuyên ngành, được cung cấp các kiến thức liên quan đến hoạt động khởi nghiệp kinh doanh, từ đó giúp hình thành năng lực khởi sự, phát triển và quản trị có hiệu quả các dự án kinh doanh.
Đồng thời, chương trình cũng trang bị các kỹ năng cần thiết cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản trị tương lai như khả năng hoạt động độc lập, phối hợp hoạt động theo nhóm; kỹ năng phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán và lãnh đạo…
Tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội), PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó giám đốc học viện, cho biết khởi nghiệp chưa được nhà trường đưa thành một môn chính thức cho tất cả các ngành đào tạo. Bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm nay, học viện mở thêm một chuyên ngành mới là Khởi sự doanh nghiệp thuộc Khoa Quản trị kinh doanh. Các kiến thức chuyên môn về khởi sự một doanh nghiệp mới sẽ được đào tạo chuyên sâu trong chuyên ngành này, còn môn học chung cho tất cả các ngành đào tạo hiện nay là chưa có.
Theo tiến sĩ Kim Hảo, các kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên được học viện truyền tải qua các câu lạc bộ trực thuộc như Câu lạc bộ Nhà Ngân hàng tương lai, Câu lạc bộ Nhà Doanh nghiệp trẻ, Câu lạc bộ Tiếp thị… Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, diễn dàn và mời các doanh nhân có uy tín, kinh nghiệm đến chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên.
Trong khi đó, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội lại chọn cách thức lồng ghép kiến thức về khởi nghiệp vào từng học phần. Tiến sĩ Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, cho biết trong tất cả các ngành đào tạo, ứng với mỗi học phần nhà trường đều chú trọng đến khối kiến thức về khởi nghiệp, nhằm giúp sinh viên biết được cách thức làm thế nào để bắt đầu trong một lĩnh vực, mảng công việc cụ thể, từ tư vấn về dịch vụ đến thương mại... Ngoài ra, trường cũng tổ chức các cuộc thi cho các sinh viên. Trong mỗi cuộc thi thuộc các lĩnh vực khác nhau, dự án của sinh viên không chỉ nằm trên giấy mà đều được hỗ trợ để hiện thực hóa, trong đó nhiều dự án đã đạt được thành công bước đầu.
Về phía trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Trung tâm khởi nghiệp, Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu, Câu lạc bộ Sinh viên sáng tạo để hỗ trợ những giấc mơ khởi nghiệp nơi giảng đường. Tại những câu lạc bộ này, nhà trường ngoài việc hỗ trợ nguồn kinh phí còn tìm kiếm và kết hợp với các doanh nghiệp để đầu tư vào những ý tưởng có tính khả thi cao của sinh viên để nuôi dưỡng ý tưởng chờ ngày được đưa ra thị trường.
Đi theo nhu cầu của nền kinh tế
Theo bản báo cáo về thị trường nhân lực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến năm 2025, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm bởi quy trình tự động hóa trong khâu sản xuất. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản xuất điện, điện tử có thể bị thay thế bởi các hệ thống tự động hoặc robot. Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng lên 62 triệu người vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động. Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ đem đến nhiều thách thức về giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của Việt Nam.
Theo các chuyên gia công nghệ, một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, nhóm ngành Công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có cơ hội phát triển, hình thành một số nhóm nghề mới, như an toàn thông tin hệ thống, lập trình phần mềm ứng dụng trên nền tảng di động, lập trình thiết kế trò chơi 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D… Các ngành này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn. Ở nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ, sẽ xuất hiện một số nhóm ngành như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật. Nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp-công nghệ kỹ thuật, thương mại điện tử xuyên biên giới, dịch vụ hậu cần (logistics), chuỗi cung ứng (supply chain).
Về phía các chuyên gia nhân sự cũng cho rằng thị trường việc làm ngày nay có thể thay đổi rất nhanh, do đó mỗi sinh viên nói riêng và người lao động nói chung cần phải sẵn sàng để thay đổi và thích ứng với vị trí, ngành, nghề mới. Những năng lực cần phải trang bị là kiến thức và chuyên môn nền tảng, khả năng tự học và khả năng sáng tạo, phương pháp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm… bên cạnh đó là sự hiểu biết về văn hóa, rèn luyện đạo đức sống và cách ứng xử trong môi trường quốc tế.