(SGTT) – Có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, vịt quay Bắc Kinh được nhiều nhà hàng ẩm thực Hoa tại TPHCM bán kèm trong thực đơn. Theo đó, từ một con vịt chế biến sẵn, đầu bếp đem chia thành ba món ăn độc đáo, khác biệt nhau.
- Trưa nay ăn gì: Zaru soba, món mì đơn giản ẩn chứa sự tinh tế dư vị Nhật Bản
- Trưa nay ăn gì: Nhẹ nhàng bữa trưa ngày Rằm cùng bún chả giò chay
- Trưa nay ăn gì: Đổi vị cơm trưa văn phòng với cơm chiên trứng cá
Sở dĩ, vịt quay Bắc Kinh nổi danh toàn cầu bởi nó cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến chế biến. Cụ thể, vịt chọn loại chăn thả tự nhiên, trọng lượng chỉ trong khoảng 3-4kg. sau khi sơ chế, đầu bếp ướp vịt với những loại gia vị bí truyền rồi đem quay. Sự khác biệt giữa vịt quay Bắc Kinh so với vịt quay truyền thống nằm ở chỗ lớp da mỏng, giòn tan trong khi phần thịt thì mềm mại, mọng nước. Từ một con vịt quay Bắc Kinh, đầu bếp đem chế biến thành ba món ăn là da vịt cuốn bò bia (khai vị), xương vịt cháy tỏi (ăn nhẹ) và món chính mì xào thịt vịt quay.
- Da vịt cuốn bò bía: Do phần da là đặc sắc nhất nên từ nó mà người ta đã sáng tạo nên món cuốn thơm ngon, giòn tan đến tận miếng cuối cùng. Cụ thể, người nấu đặt vịt quay lên đĩa, dùng dao khéo léo lóc đều các phần da vịt sao cho thật mỏng. Sau đó, dùng bánh tráng loại bánh cuốn bò bía để cuốn da vịt cùng dưa leo, đầu hành rồi chấm kèm nước sốt. Phần nước sốt làm từ đậu nành lên men, xì dầu, tỏi xay nhuyễn cũng là điểm kết hợp vừa vị cho món cuốn này.
- Xương vịt cháy tỏi: Sau khi lóc phần da vịt quay, đầu bếp đem vịt quay xuống nhà bếp và tiếp tục chia thành hai phần xương và thịt. Trong đó, phần xương được tẩm bột rồi đem cháy tỏi. Điểm nhấn của món ăn này nằm ở chỗ phần xương vẫn còn tí thịt bao quanh thấm đều gia vị và tỏi bằm, khi thưởng thức ngoài độ giòn còn là vị mằn mặn thân quen của cách chế biến cháy tỏi.
- Mì xào thịt vịt quay: Khi da và xương đem chế biến thành hai món ăn kể trên thì thịt vịt được ứng dụng cho món mì xào. Theo đó, người nấu đem mì vắt sợi trứng trụng chín, cho vào chảo và xào cùng thịt vịt, gia vị sốt và rau như cải ngọt, bẹ xanh hay cải thìa. Thành phẩm món ăn mang vị ngọt từ thịt vịt hòa vào nước sốt và thấm đều vào từng sợi mì trụng vừa tới vẫn còn độ giòn sần sật.
Ngoài ba món đặc trưng khi nhắc về vịt quay Bắc Kinh thì một số nhà hàng ẩm thực Trung Hoa còn sáng tạo thêm một số món như cơm chiên thịt vịt, xương vịt rang trứng muối, canh xương vịt đậu hủ cải xanh… Đối với các món ăn Trung Hoa nói chung, thức uống kèm hợp vị thường được gọi là các loại trà nóng từ thảo dược, vừa giúp thực khách cân bằng vị giác vừa tốt cho sức khỏe.