(SGTT) - Thác Mạ Héc tọa lạc tại thôn Thôm Táu, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Dòng thác mang vẻ đẹp thơ mộng, chảy từ độ cao hơn 100m từ đỉnh núi Cham Chu.
Từ trung tâm xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, du khách đi khoảng 7km đến thôn Thôm Tấu, nơi có thác Mạ Héc. Thác Mạ Héc chảy từ độ cao hơn 100 mét từ vách núi đá trên đỉnh núi Cham Chu xuống, quanh năm tung bọt trắng xóa, nhìn từ xa như một dải lụa trắng.
Trong làn nước trong xanh của thác Mạ Héc và không khí trong lành, du khách sẽ hiểu thêm về thiên nhiên kỳ thú, tạm quên những mệt nhọc, vất vả đời thường. Đến Mạ Héc vào ngày nghỉ cuối tuần, du khách có thể cắm trại, nướng đồ ăn và leo thác trải nghiệm, chụp ảnh cưỡi ngựa dưới chân thác.
Theo Trang thông tin Đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, hiện nay thác nước là nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ cuộc sống, nuôi dưỡng những ruộng lúa, vườn ngô, vườn cam của các hộ dân ở 4 thôn xã Phù Lưu, gồm Thôm Táu, Pá Han, Bản Ban và Pác Cáp.
Từ thác Mạ Héc, du khách có thể đi tham quan núi Cham Chu cao 1.587 mét so với mặt nước biển. Ở đây còn có khu rừng đặc dụng khoảng 15.000ha, có nguồn gen thực vật rất phong phú, với trên 80 loài thân gỗ, nhiều loài gỗ quí như pơmu, đinh, nghiến, chò chỉ và các loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ.
Theo báo Tuyên Quang, cách chân thác Mạ Héc chừng vài trăm mét là thôn Thôm Táu, nằm nép mình dưới chân núi Cham Chu. Bao năm qua, 118 hộ gia đình, trong đó có 46 hộ đồng bào người Dao đỏ đã tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo. Từ xưa đến nay, phong tục tập quán truyền thống của người Dao đỏ vẫn được dân bản giữ gìn, ngay từ nếp sống sinh hoạt hàng ngày đến nghi thức cưới hỏi, lễ tết.
Theo UBND xã Phù Lưu, thác Mạ Héc đang được huyện Hàm Yên xây dựng thành điểm du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng người Dao đỏ. Công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đang được đẩy mạnh, để nhân dân, du khách thập phương biết đến thác Mạ Héc ngày càng nhiều hơn.
Đăng Huy
Theo Trang thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, Báo Tuyên Quang