Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Lúng túng với sản phẩm Halal

Vũ Yến

LTS: Trong một số báo trước đây (số 46, ngày 17-4-2015), Sài Gòn Tiếp Thị đã có bài phản ánh việc chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc thù đối với cộng đồng người dân theo đạo Hồi ở trong nước, cụ thể là tại TPHCM. Ở bài viết dưới đây, Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận thêm về việc cơ hội xuất khẩu sang thị trường rất tiềm năng này dường như cũng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vốn có những quốc gia thành viên có đông dân cư theo đạo Hồi.

Theo đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp, thị trường các nước Hồi giáo với các sản phẩm được chứng nhận Halal là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác sâu việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Thị trường hấp dẫn

anh 1 (2)

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện người theo Hồi giáo chiếm khoảng 25% dân số toàn thế giới, tức khoảng hai tỉ người. Sản phẩm thực phẩm đặc thù cho người đạo Hồi phải có chứng chỉ Halal và hàng năm các tín đồ đạo Hồi chi khoảng 580 tỉ đô la Mỹ để mua thực phẩm có chứng chỉ này.

Ông Hòe cho biết thêm, các trung tâm tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới nằm ở khu vực Trung và Nam Á với số tiền chi ra mỗi năm cho thực phẩm dạng này khoảng 175 tỉ đô la Mỹ. Kế đến, khu vực châu Phi sẽ chi khoảng 115 tỉ đô la Mỹ, Trung Đông chi khoảng 111 tỉ đô la Mỹ, Đông Nam Á chi khoảng 95 tỉ đô la Mỹ. “Đó là những con số hấp dẫn để ngành thực phẩm đầu tư và có lợi nhuận, cũng là phân khúc thị trường tiềm năng đối với ngành hàng thủy sản”, ông Hòe nhận định.

Theo công bố của Diễn đàn Halal thế giới mà ông Hòe dẫn lại thì giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1.200 đến 2.000 tỉ đô la Mỹ một năm. “Ngày nay thực phẩm Halal được công nhận, phổ biến và tiêu dùng rộng rãi đối với cả người tiêu dùng không phải Hồi giáo vì sự bảo đảm về tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh và chất lượng. Nhãn Halal bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí tôn giáo đã trở thành một trong những tiêu chuẩn mới bảo đảm cho người tiêu dùng về sự an toàn và chất lượng sản phẩm”, ông Hòe nói thêm.

Dẫn các thông số từ Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM), ông Abdullah Abdulrohman, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Halal Việt Nam (có trụ sở tại TPHCM), cho rằng vào năm 2010 toàn thế giới đã có 1,8 tỉ người theo đạo Hồi và con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030, chiếm 27% dân số thế giới. Ông cũng nói thêm, 62% người Hồi giáo sống ở khu vực châu Á nói chung và 127 triệu người Hồi giáo sống ở các nước khu vực Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm Halal đến 80%. Vì vậy, ông nhận định đây là một thị trường lớn, rất tiềm năng.

Theo ông Abdullah Abdulrohman, không chỉ ở ngành thực phẩm mà còn ở các ngành khác như thuốc, mỹ phẩm, quần áo, tài chính… cũng vẫn còn nhiều tiềm năng để bán cho người Hồi giáo. Trong đó, chỉ tính riêng ngành mỹ phẩm, mỗi năm cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới chi ra 8 tỉ đô la Mỹ. “Mỗi quí, công ty chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Saudi Arabia, Ai Cập 20-40 tấn hàng hóa là gạo, cà phê, tiêu, hạt điều”, ông Abdulrohman nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (An Giang), cho biết nhận thấy đây là một thị trường có tiềm năng lớn nên công ty ông là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu cá tra, basa sang các nước Trung Đông với tiêu chuẩn Halal. Trong đó, mạnh nhất là ở những thị trường Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Lebanon… Tổng giá trị xuất khẩu năm 2014 là 15 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của công ty.

Công nhân đang sản xuất sản phẩm Halal xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (An Giang).       Ảnh do công ty cung cấp
Công nhân đang sản xuất sản phẩm Halal xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (An Giang). Ảnh do công ty cung cấp

[box type="download"] Halal theo tiếng Ả Rập là hợp pháp (theo chuẩn của Kinh Qur’an). Chứng chỉ Halal là một loại chứng chỉ xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và Luật Shariah. Một sản phẩm được chứng nhận Halal phải đáp ứng các yêu cầu về nguyên liệu sản xuất, ví dụ như các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, thủy hải sản, hóa vô cơ, không sử dụng cồn dưới mọi hình thức; không sử dụng nguyên liệu động vật bị cấm và/hoặc giết mổ không theo nghi lễ Hồi giáo (zabihah).

(Theo tài liệu của Văn phòng chứng nhận Halal)[/box]

Nhìn đâu cũng thấy khó

Trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo gần đây, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi nói về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN đã nhận định rằng chưa thấy bóng dáng của sự chuẩn bị đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, ông Khoan nhấn mạnh: “Ở ASEAN, thị trường phần lớn là Hồi giáo (gồm Indonesia, Malaysia, Brunei...) nhưng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đạo Hồi ở ta gần như không có”.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, một lãnh đạo doanh nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu tại TPHCM cho rằng, đối với một số nước ở châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thị phần về sản phẩm thực phẩm Halal. “Hàng năm chúng tôi cũng xuất khẩu một số sản phẩm đạt chứng nhận Halal sang các nước như Indonesia, Malaysia, các nước Trung Đông nhưng số lượng rất ít. Không phải vì chất lượng sản phẩm không đạt hay mình không làm theo đúng quy trình mà dường như Việt Nam chưa phải là điểm đến đặt hàng của các công ty nhập khẩu lớn đến từ các nước này”, ông nói.

Theo ông Abdullah Abdulrohman, mặc dù có những thuận lợi như nguồn sản phẩm thô trong nước dồi dào, nhân công rẻ, nhưng khó khăn và cản trở lớn của doanh nghiệp Việt Nam đó là khả năng đáp ứng các yêu cầu Halal. Trong đó, có doanh nghiệp chưa trung thực về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất… “Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi gặp không ít trường hợp sản phẩm ban đầu đạt chất lượng Halal nhưng sau một thời gian thì không đảm bảo. Nếu chỉ một lần không đúng như cam kết thì chắc chắn không có cơ hội làm ăn với họ lần hai”, ông nói.

Bà Basiroh, chủ cửa hàng may trang phục Hồi giáo trên đường Nguyễn An Ninh (quận 1, TPHCM), cho biết cửa hàng của bà cũng thường xuyên xuất khẩu sản phẩm sang Malaysia, tuy nhiên hàng hóa mà bà xuất đi rất ít. “Việc đi tìm khách hàng, đi tìm thị trường thực sự là việc khó đối với chúng tôi. Mỗi tháng, khách hàng tại Malaysia sang đặt tôi khoảng 50-100 bộ trang phục, tôi đặt cơ sở gia đình ở Châu Đốc, An Giang may rồi giao cho khách”, bà Basiroh nói.

Để đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Hồi giáo, một vị phó tổng giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ... Từ đó, kết nối một cách có hiệu quả các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngành du lịch nỗ lực để thu hút dòng du khách...

0
(SGTT) - Chiếm gần 1/4 dân số thế giới, cộng đồng người theo đạo Hồi là đối tượng khách du lịch đặc biệt và...

Dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào...

0
(SGTT) - Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và 2,5 triệu...

Tặng hơn 5.000 vé di chuyển về quê đón Tết cho...

0
(SGTT) - Hơn 5.000 vé máy bay, vé xe ô tô sẽ được dành tặng cho sinh viên, thanh niên công nhân và người...

Gợi ý 10 điểm đón Giáng sinh lý tưởng ở châu...

0
(SGTT) – Tạp chí Time Out vừa đưa ra gợi ý 10 điểm đón Giáng sinh lý tưởng ở châu Âu trong năm nay....

Dạo quanh Chợ Lớn, nhớ thử vị bánh cuốn bách hoa...

0
(SGTT) - Mở bán hơn 40 năm qua, thương hiệu bánh cuốn Soái Kình Lâm trong khu Chợ Lớn gây ấn tượng cho thực...

Bức tranh cuối mùa Thu tại Budapest

0
(SGTT) - Cuối Thu, thành phố Budapest - thủ đô của Hungary, khoác lên mình sắc lá vàng rực rỡ, làm nổi bật vẻ...

Kết nối