(SGTTO) - Đầu tháng 12, khi TPHCM phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều địa phương đã quyết định tạm dừng đón khách đến từ TPHCM. Quyết định này khiến nhiều người đang sinh sống tại TPHCM có kế hoạch đi du lịch, về quê thăm nhà dịp cuối năm phải hủy bỏ hoặc lùi không thời hạn.
Nhiều tỉnh dừng đón khách từ TPHCM
Ngày 3-12, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tạm dừng tour đến và đi từ TPHCM kể từ ngày 4-12 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đi du lịch đến TPHCM cho đến khi kiểm soát được tình trạng lây lan trong cộng đồng tại địa phương này.
Ông Phạm Duy Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho rằng, việc này để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động làm việc tại đơn vị và cộng đồng. Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng thời điểm, trong công điện ngày 3-12 về việc tăng cường công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu tất cả trường hợp đến, trở về Quảng Bình từ TPHCM kể từ ngày 18-11 sẽ phải khai báo y tế và được giám sát chặt chẽ. Nếu có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng, người dân và du khách phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định. Đặc biệt, các trường hợp đến, trở về từ các quận Tân Bình, Bình Tân, quận 6, quận 10 phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đủ 14 ngày.
Tương tự, Quảng Nam cũng yêu cầu người dân địa phương đã đến các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6, quận 10 (TPHCM) từ ngày 27-11 thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong 14 ngày. Địa phương này cũng tạm dừng tiếp đón các đoàn từ thiện đến từ vùng có ca mắc Covid-19 từ cộng đồng.
Chị Nguyễn Hiền Vân (ngụ Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, gia đình chị đã mua tour du lịch 7 ngày về Ninh Bình trong tuần tới. Khi nghe tin địa phương này tạm dừng đón khách du lịch từ TPHCM, chị rất hoang mang. Mọi kế hoạch đã sẵn sàng, các con chị cũng đang rất háo hức chờ đợi chuyến đi.
Chị Vân đã 2 – 3 lần gọi điện đến đại lý cung cấp tour để trao đổi nhưng chưa quyết định hủy vé. Chị cho rằng, TPHCM sẽ sớm khoanh vùng và ngăn chặn được làn sóng lây lan của dịch bệnh lần này. Đó là chưa kể, người dân hiện nay cũng đã biết cách “sống chung với lũ” để vẫn giữ được an toàn cho bản thân trước dịch bệnh. Do đó, việc tạm dừng đón tất cả du khách đến từ TPHCM là điều không cần thiết.
“Cơ quan chức năng chỉ nên hạn chế đối với các trường hợp có đi qua những địa điểm mà 4 bệnh nhân mới phát hiện tại TPHCM có lui tới. Còn lại, người dân ở những phường, quận khác, không có khả năng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm thì vẫn có thể sinh hoạt, đi lại bình thường. Đương nhiên, phải tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng như đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế…”, chị Vân nhận định.
Cần sớm “có thông báo mới”
Việc các địa phương ra quyết định hạn chế du khách từ TPHCM cũng khiến nhiều doanh nghiệp chật vật hơn trong thời buổi hiện nay. Trong khi TPHCM đã cơ bản khống chế được dịch, nhiều doanh nghiệp mong muốn các địa phương sớm tạo điều kiện để hoạt động trở lại.
Chị Hoàng Thị Ý Nhi, chủ đại lý vé máy bay, vé du lịch Ý Nhi (quận Thủ Đức, TPHCM), cho biết, ngay sau khi TPHCM phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại TPHCM và nhiều địa phương hạn chế đón khách từ TPHCM, đã có nhiều khách gọi điện xin hoãn, hủy vé.
Theo chị Nhi, trước khi chào bán tour cho khách, các doanh nghiệp du lịch cũng đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, đặc biệt là cách xử lý linh hoạt nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cụ thể, khách có thể đổi ngày khởi hành hoặc đổi thành voucher để sử dụng vào một dịp khác. Tuy nhiên, cái khó lại “đổ lên đầu” doanh nghiệp khi họ phải đặt cọc vé máy bay, cọc phòng khách sạn trước. Mà những dịch vụ này rất khó chấp nhận đề xuất hoàn tiền cọc cho doanh nghiệp lữ hành.
“Nếu khách hiểu, thông cảm và chia sẻ thì doanh nghiệp còn dễ thở. Gặp nhiều trường hợp khách làm căng, đòi phải hoàn tiền ngay lập tức thì doanh nghiệp càng khó”, bà Ý Nhi chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, nhận định rằng, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài. Do đó, cả cộng đồng phải học cách “sống chung với dịch”. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng cần có ứng xử linh hoạt, nhanh nhạy, phù hợp với từng thời điểm để doanh nghiệp có thể tồn tại được.
Theo ông Toản, cách đón tiếp, đối xử với du khách đến từ các địa phương có xảy ra dịch bệnh cần phải phù hợp, nếu không sẽ để lại ấn tượng xấu về điểm đến. Ví dụ như hồi tháng 3 vừa qua, khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, nhiều đoàn du khách bị mắc kẹt tại các điểm du lịch.
Điều đáng nói là ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đối với du khách khiến họ có cảm giác lo sợ, thậm chí hoảng loạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của du khách.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành khác cũng cho rằng, tính tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã khoanh vùng và cách ly được nguồn lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng tại TPHCM. Các ca F1, F2 cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Gần đây nhất, ngày 7-12, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng đã khẳng định, thành phố đã kiểm soát được chuỗi ca bệnh này.
Do đó, các địa phương cần sớm xem xét cho doanh nghiệp tái khởi động đưa các đoàn du lịch từ TPHCM đến các tỉnh và đón du khách các tỉnh về TPHCM. Trong khi, kỳ nghỉ tết dương lịch cũng đã cận kề, nhiều chương trình, kế hoạch du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo của các doanh nghiệp trong tháng 12 cũng cần sớm đưa ra quyết định có được tổ chức hay phải hoãn để tính phương án tiếp theo.
Nam Bình