Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Loay hoay thu thuế ứng dụng di động

(SGTT)- Bất kỳ ai có kỹ năng lập trình cũng có thể làm ra một ứng dụng di động (app) và chỉ cần đáp ứng được yêu cầu xét duyệt của Google hay Apple là họ có thể đưa lên kho ứng dụng trực tuyến Google Play (hệ điều hành Android), App Store (hệ điều hành iOS) để kiếm tiền.

Chuyện các lập trình viên hoặc các cá nhân, công ty tại Việt Nam kiếm doanh thu từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng thông qua các app là chuyện bình thường.

Đua nhau dùng app và làm app

Sự bùng nổ của Internet, mạng di động và điện thoại thông minh hiện nay đã khiến người dân Việt Nam được cho là đang sống trong thời của ứng dụng di động (app). Gần như mọi hoạt động trong thế giới ảo của hơn 50% dân số Việt Nam đều được thực hiện qua điện thoại thông minh, cụ thể là các app cài đặt trong hệ điều hành của điện thoại. Nếu muốn gọi điện hay nhắn tin, bạn có thể xài app: gọi điện, nhắn tin, Skype, Viber, Zalo, Messenger… Để tham gia mạng xã hội, bạn có các app: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter... Để làm việc, rất nhiều app được người dùng sử dụng như Gmail, Google Docs, Office, Drive. Bên cạnh đó là các app chụp ảnh, chơi game, xem video, nghe nhạc… không thể thiếu trên mọi điện thoại.

Theo một bản khảo sát thực hiện trong tháng 9-2019 của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, người Việt Nam sử dụng trung bình 16,8 app mỗi tuần. Thời gian sử dụng các app trung bình của người Việt là 4 giờ mỗi ngày. Loại app được sử dụng nhiều nhất là mạng xã hội như: Facebook, Instagram… với 33% tổng thời gian dùng app. Đứng thứ hai là app tin nhắn (Facebook Messenger, Zalo...) với tỷ lệ 23%, app xem video (Youtube, Tik Tok...) đúng thứ ba với tỉ lệ 15%, tiếp đến là các app trình duyệt, tìm kiếm và trò chơi…

Cuộc sống qua app ngày càng phổ biến của người dùng di động trở thành động lực để các nhà phát triển app đua nhau xuất hiện và cung cấp ngày càng nhiều app hơn cho người dùng. Điều đó khiến Việt Nam đang chứng kiến tình trạng người người, nhà nhà đua nhau làm app và đưa lên các kho ứng dụng di động để thu hút lượng người dùng nhiều nhất có thể (qua đó kiếm tiền từ quảng cáo, bán sản phẩm, nội dung...).

Nguồn doanh thu này được các công ty sở hữu kho ứng dụng (phổ biến nhất hiện nay là Google và Apple) chia sẻ với nhà phát triển thông qua các hoạt động chạy quảng cáo trên app, bán bản quyền sử dụng app, mua sản phẩm trong app. Trước đây, chúng ta đã nghe chuyện Nguyễn Hà Đông phát triển app game và thu về khoảng 50 triệu đồng/tháng. Hay như năm 2018, một cá nhân có hộ khẩu ở Quảng Nam đã bị Cục thuế TP.HCM truy thu thuế đến 4,1 tỉ đồng do có app trò chơi được Google “ăn chia” lại tới 41,4 tỉ đồng…

Ngành thuế loay hoay

Tại một cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hồi tháng 5 năm nay, đại diện Cục Thuế TPHCM thừa nhận cơ quan thuế đang gặp khó trong việc thu thuế các cá nhân, tổ chức kiếm tiền từ Google, Facebook… Theo đó, nhiều cá nhân phát triển ứng dụng trò chơi được trả số tiền lớn lên đến cả chục tỉ đồng/năm nhưng chưa làm nghĩa vụ thuế. Số lượng người có thu nhập cao nhờ kiếm tiền từ Facebook, Google ngày càng tăng nhưng cơ quan thuế thu thuế rất ít.

Khó khăn của ngành thuế là dễ hiểu bởi các hoạt động kiếm tiền của các app đều do các công ty sở hữu kho app như Google, Apple nắm giữ. Họ là các công ty toàn cầu và kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới nên cơ quan thuế Việt Nam không thể nào quản lý và nắm được cụ thể doanh thu ra sao.

Trong khi đó, việc “ăn chia” giữa Google, Apple với các nhà phát triển đều được thực hiện qua các ngân hàng quốc tế, không có hóa đơn, chứng từ hay hợp đồng nào để cơ quan chức năng có thể quản lý và thu thuế… trừ khi cá nhân, tổ chức đó tự nguyện nộp thuế. Vì vậy đã xảy ra tình trạng nhà nước thất thu thuế ngày càng nhiều nhưng lại chưa tìm được cách nào để thu thuế hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều chuyên gia đề xuất nhà nước cần có quy định cụ thể trong luật về đối tượng, cách thức, mức chịu thuế. Bên cạnh đó, nhà nước cần kiểm soát chặt và lưu trữ thông tin cụ thể những giao dịch chuyển khoản tiền ra nước ngoài và ngược lại. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần phải có cơ sở dữ liệu, công nghệ đủ mạnh để kiểm soát hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức trên các kho ứng dụng di động.

Trung Thanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử nộp gần...

0
(SGTT) - Theo Tổng cục thuế, đến hết tháng 10, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Kết nối