(SGTT) - Vào mỗi dịp tháng Ba Âm lịch hằng năm, trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng lại diễn ra một lễ hội rất đông vui và nhộn nhịp. Năm nay, lễ hội Đình làng Hải Châu diễn ra vào hai ngày (8 và 9-4) với các hoạt động náo nhiệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống nơi đây.
- Du Xuân làng cổ Túy Loan, sẵn ghé thưởng thức mì Quảng ngon trứ danh
- Hào hứng hội vật làng Sình tại Huế
- Đình làng được vua Tự Đức ban sắc phong ở Đồng Tháp được xếp hạng di tích quốc gia
Ghé thăm lễ hội, người viết được ông Trần Như Tiếp (86 tuổi, trú tại phường Hải Châu 1) cho hay, lần theo sử sách, Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Hiện nay đình còn lưu giữ nhiều hiện vật, hoành phi và liễn đối bằng chữ Hán, được sơn son thếp vàng, có niên đại hàng mấy trăm năm.
Ngoài ra, Đình Hải Châu (chùa Phước Hải xưa) từng là nơi chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi (1719) vào Quảng Nam đã dừng chân nghỉ lại. Dân làng sau đó lập bàn thờ ông tại đây. Có thể nói, đây là ngôi đình cổ nhất ở Đà Nẵng và là di tích lịch sử được nhà nước công nhận.
Năm 2009, UBND quận Hải Châu đã khôi phục lại lễ hội Đình làng Hải Châu và ngày càng nâng tầm lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc giữa lòng thành phố Đà Nẵng hiện đại.
Năm nay, ngoài phần lễ vọng, lễ chánh tế, lễ dâng hương biểu thị lòng tôn kính đến các bậc tiền nhân thì lễ hội còn có một số tiết mục như hội thi vẽ tranh, cuộc thi ứng biến thuyết trình viên hay ngày hội hàng Việt với chủ đề “Phiên chợ quê” tổ chức ngay tại sân đình làng.
Thực tế tại lễ hội, người viết đã rất ấn tượng khi nhìn vào cổng đình với bốn chữ “Hải Châu Chính Xã” được viết bằng chữ Hán. Khi vào bên trong, một quần thể kiến trúc chính trong khuôn viên rất hoành tráng gồm Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền, Nhà thờ Chư phái tộc và miếu Bà.
Tiếp đến, Nhà thờ bên trái của tộc Nguyễn Văn, Nhà thờ bên phải thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ. Đây là những tộc họ từ Thanh Hóa theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam từ năm Tân Mão (1471), vua Lê lập ra ấp Hàn Giang (Đà Nẵng sau này) và các tộc họ ấy quây quần thành làng Hải Châu, được triều Nguyễn sắc phong “Chính xã”. Và đây chính là tộc họ đặt nền móng và xây dựng điểm di tích đình làng như ngày hôm nay.
Chính vì vậy, lễ hội Đình làng Hải Châu là hoạt động văn hóa thường niên có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Qua đó, góp phần lưu truyền những giá trị văn hóa xa xưa đến các bậc hậu thế để gìn giữ. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để góp phần quảng bá du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tiên Sa