(SGTTO) - Với du khách và người dân Quảng Ngãi, có lẽ Hòn Yàng là địa danh mà không nhiều người muốn đến, bởi chốn này không phải là điểm du lịch hấp dẫn mà là khu vực dành cho thế giới bên kia với cái tên “Thành phố buồn của cô thôn Cổ Lũy”.
Hòn Yàng là một phần của núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn, nay thuộc thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Lục theo trang sách sử, tôi thấy hai địa danh trên từng được ghi vào danh sách những cảnh đẹp không thể bỏ qua.
Thật ra có đi mới biết, so với núi Phú Thọ có di tích cổ lũy – ngoa truyền là tường thành của quân binh Chăm Pa xưa dựng lên để kiểm soát khu vực biển Cửa Đại và điển tích ông Hổ đi tu cùng chùa Hang mát xanh trầm mặc, thì Hòn Yàng lại bình lặng, thoáng chút âm u. Khi nhẹ bước trên con đường mòn lên đỉnh, tôi đã bần thần và phải gửi một lời khấn với những mộ phần san sát nhau trên lối nhỏ quanh co rực sắc vàng của cát trong nắng trưa gay gắt.
Có đi mới biết, khu nghĩa trang của Hòn Yàng khá rối rắm, hơi lộn xộn, có mộ được xây cất chỉn chu, còn những ngôi mộ khác bị sạt mất cả chóp, khiến bước chân tôi hơi bị chùng chằng, e ngại lỡ bước trên khu vực xác người gửi vào đất.
Lần này đến đây, tôi được cư dân địa phương kể lại huyền thoại thành Hòn Yàng với những câu chuyện tâm linh kỳ bí, nghe cũng thích nhưng cũng có chút phần run sợ.
Xưa, vùng đất này từng thuộc về châu Amaravati thuộc vương quốc Chăm Pa rực rỡ một thời kim cổ. Thuở ấy, người Chăm gọi đây là hòn Yòn, tức là núi giấu vàng.
Theo phỏng đoán, đây là nơi chôn giấu kho báu của người Chăm cổ, do vậy họ đã xây “Thạch mê trận” trên đỉnh Phú Thọ Sơn cùng thành Hòn Yàng nằm cận kề với các lối đi rối rắm.
Nghe nói, để kho báu không bị ai cướp mất, ngoài việc tại thạch mê trận, các thầy cúng Chăm Pa còn dùng bùa ngải và trấn yểm. Trong đó, họ tuyển lựa các đồng nam cùng trinh nữ chôn theo để hóa thần. Theo truyền thuyết, cứ tròn một giáp, vàng trong núi sẽ xuất hiện, bay lên trong đêm với những hình thù các con thú của rừng. Trong đêm không trăng sao, hình ảnh của vàng cứ ẩn hiện như ma, hiện ra cùng dân chúng. Nên người ta gọi đó là “vàng hời”.
Vào dịp vàng hời trong núi bay ra chấp chới, nếu muốn có vàng, người ta tìm những chiếc quần phụ nữ đã sinh con, cầm chúng quơ trong không gian và chụp bắt. Lúc bấy giờ, vàng sẽ hiện nguyên hình là một cục nhỏ bằng cỡ nửa lóng đốt tay út.
Vào thời nhà Nguyễn cai trị, khi các cư dân Phúc Kiến chạy từ Trung quốc sang Việt Nam để tránh các cuộc tàn sát, được phép của vua ban, tộc họ Ngô đã tìm đến đất này lưu trú và lập thôn sinh sống.
Tuy nhiên, sự kiện vàng hời xảy ra khiến cư dân hỗn loạn. Mọi người tranh giành để cướp vàng. Trước cảnh ấy, một thầy cúng đã trấn yểm vàng chui vào đất. Sau đó ông lấy kiếm ấn bằng thân dâu tằm trăm tuổi cắm vào một long mạch trên đỉnh núi. Rồi ông đốt kiếm cùng tấm sớ cúng tế để xin thần linh biến hòn Yàng trở thành khu đất gửi thân xác cho dân khi giã từ cõi thế. Từ đó, những người mất khi chôn tại đây sẽ trở thành âm linh của núi thiêng, giữ vàng không bay ra nữa. Riêng khu vực hòn Yòn, người Phúc Kiến gọi đây là “Hoàng tọa”.
Theo thời gian, câu chuyện vàng hời dường như đã phai dấu trong lòng dân chúng ít nhiều. Khi hỏi vài bạn trẻ trong thôn, tôi chỉ thấy họ luôn lắc đầu cười: “Tụi con không rành chuyện này lắm cô ơi”.
Kể ra, các bạn trẻ nói cũng không sai, bởi chỉ tính sơ rằng ngay từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay cũng đã 120 năm trôi qua, bao thăng trầm cuộc sống cùng chiến tranh liên miên đã xóa đi nhiều dấu xưa tích cũ. Chưa kể trong vòng 30 năm trở lại đây, cư dân Cổ lũy cô thôn đã rời xứ, tìm đường lập nghiệp trên các vùng miền. Chốn quê xưa chỉ còn lại người già và con trẻ.
Dương Thủy
Bài viết quá hay! Tôi từng cảm giác thèm đọc những bài báo chất lượng như trước, thèm đến phát buồn vì ngày càng hiếm; nay quá bất ngờ và happy thật sự, Thanks http://www.sgtiepthi.vn và tác giả Dương Thuỷ, chúc thật khoẻ mạnh, an lành và hưng phát!