Phú Li -
Có lẽ các lễ hội được người ta nhắc đến nhiều nhất trong tháng Giêng Âm lịch. Nếu gõ cụm từ “lễ hội Việt Nam 2017” trong khung tìm kiếm của Google Search, trong vòng 0,45 giây, có hơn một triệu kết quả. Xem lướt nội dung có liên quan trong tháng đầu năm Đinh Dậu này sẽ thấy những thông tin về sự bát nháo, nhố nhăng, các hành vi vô văn hóa trong những lễ hội nhân danh… văn hóa. Tính tích cực của lễ hội còn phập phù, trong khi tính tiêu cực của chúng thì ngày càng nhức nhối.
Trong đời sống thuần nông nghiệp trước đây, các lễ hội có một vai trò khá quan trọng. Đó là nơi để nhà nông gửi gắm nguyện vọng về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, hoặc bày tỏ sự biết ơn đối với đất trời, thần linh đã ban cho sự no ấm. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày miệt mài lao động. Cũng xin lưu ý rằng, các lễ hội vào thời đó thường chỉ gói gọn trong quy mô làng, xã và người mỗi nơi cũng chỉ biết đến chừng một hoặc hai lễ hội.
Ngày nay, đất nước ta không còn thuần nông nghiệp. Hơn nữa, việc sản xuất nông nghiệp đã mang tính hiện đại, với sự chủ động cải thiện năng suất nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật hay công nghệ. Các lễ hội, vì thế, chỉ còn tồn tại như một sự kiện theo thói quen hơn là vì một nhu cầu thiết thực.
Theo kết quả thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch năm 2009, Việt Nam có đến 7.966 lễ hội mỗi năm, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 21 lễ hội. Con số này hiện có thể cao hơn. Trong số hàng ngàn lễ hội ấy, liệu có mấy lễ hội được tổ chức theo nguyện vọng thực sự của người dân và liệu chúng có mang lại sự hưng thịnh cho đất nước?
Thay vì lao động để tạo ra của cải, người ta lại lăn xả trong lễ hội cướp lộc, chẳng lẽ để mong… không làm mà vẫn có ăn!? Các cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước thay vì tận tâm phục vụ nhân dân, lại trốn việc đi cướp ấn, không lẽ chỉ để mong thăng quan, tiến chức? Các hành vi của họ không biết có đạt được mục tiêu của họ không nhưng đang cổ xúy cho thói mê tín dị đoan, núp bóng đời sống văn hóa tinh thần. Chưa hết, các hình ảnh đâm trâu, thắt cổ trâu, chém lợn… đầy man rợ trong một số lễ hội bị cho là không còn phù hợp trong xã hội văn minh bây giờ, bị báo chí truyền thông lên án nhưng vẫn tồn tại.
Cuộc sống luôn vận động. Trong quá trình ấy, nó sẽ hình thành nên những cái mới, đồng thời loại bỏ dần những thứ không phù hợp. Đó là quy luật. Có những giá trị văn hóa lẫn tâm linh chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Thế nên, có cần thiết phải phục dựng lại một lễ hội mà chính người dân của làng, xã nào đó, nơi khai sinh ra nó, từ lâu đã không còn tha thiết tổ chức?
Đã đến lúc sự khuếch trương cho các lễ hội cần phải dừng lại bởi vì lễ hội nhiều không giúp đất nước hưng thịnh. Trước khi quyết định về việc phục dựng một lễ hội nào đó, các cơ quan nhà nước hãy nghĩ đến sự tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức và thời gian của cả xã hội trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn loay hoay với sự cạnh tranh trong giao thương buôn bán đang hồi gay gắt. Thà Nhà nước chỉ tổ chức một vài lễ hội nhưng luôn được mọi người dân trong xã hội nhớ đến với niềm vui và sự háo hức chờ đợi, hơn là làm lễ hội nhan nhản với những hình ảnh méo mó và xấu xí.