Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024

Lazada có thể bị coi là đồng phạm bán hàng giả

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó phòng tranh tụng của Công ty Luật TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online ngày 22-9 về vụ việc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada tiếp tay cho hoạt động bán sách giả, cho hay theo các quy định hiện nay, sàn giao dịch điện tử không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi buôn bán sách lậu, song họ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu không quản lý tốt thông tin của người bán hàng.

“Trong trường hợp sàn giao dịch điện tử không phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, họ cũng sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 78, Nghị định 52/2013. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng phát hiện Lazada biết các đối tượng bán hàng giả mà vẫn phê duyệt, cho phép họ bán thì đây là hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, Lazada có thể bị coi là đồng phạm", LS Nguyễn Đức Hùng nói.

Theo quy định về thương mại điện tử, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử bao gồm xác định chính xác các thông tin của các thương nhân, cá nhân, tổ chức khác. Sàn thương mại điện tử cũng phải thiết lập cơ chế về giao dịch hợp đồng khi thực hiện hoạt động mua bán, đặt hàng trực tiếp trên sàn. Sàn phải có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan nhà nước điều tra các hành vi vi phạm.

Trong một sự diễn tiến khác, mới đây Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm đã được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 15-10 tới). Theo đó các cá nhân có hành vi bán hàng giả, hàng cấm hoặc hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên trang web thương mại điện tử sẽ bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Mức phạt dành cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nặng gấp đôi.

Vi bằng của First News ghi lại bằng chứng sách giả được bày bán trên Lazada. Ảnh: ĐVCC

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm từ gần 600 gian hàng và trang web. Gần đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành thanh tra sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada và phát hiện 11 hành vi vi phạm, dự kiến mức xử phạt gần 400 triệu đồng.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khi đề cập về mặt pháp lý, cho rằng các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử đối với đối tác bán hàng trên sàn, vì vậy cần sửa đổi khung khổ pháp lý về quản lý sàn theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ sàn.

"Bộ Công Thương vừa thành lập Tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư số 47 quy định về quản lý trang web thương mại điện tử theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các chủ sàn điện tử. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP trong năm 2020, vì Nghị định đã ban hành 6 năm, chưa cập nhật loại hình kinh doanh mới, nên thiếu chế tài xử lý", ông Trần Hữu Linh thông tin.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho biết trung bình hằng năm, cục tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó có khoảng trên 50% liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các vi phạm điển hình bao gồm: Chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ, giá cả, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành, không xuất hóa đơn.

Cách đây khoảng 2 tuần, một trong những sự kiện gây xôn xao dư luận là Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt chính thức nộp đơn khởi kiện Lazada lên Tòa án Nhân dân Quận 1, TPHCM vào ngày 4-9. Cùng ngày, phía bị kiện là Lazada Việt Nam cũng đã có phản hồi về vấn đề này. Theo văn bản gửi đến các cơ quan truyền thông, Lazada khẳng định, công ty này luôn áp dụng chính sách quản lý nền tảng nghiêm ngặt và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Trong thông cáo gửi cho báo chí, ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập và CEO công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt, nguyên đơn trong vụ kiện, cho rằng phản hồi của Lazada trên các phương tiện truyền thông là “thiếu trung thực, không hề thành tâm”.

Theo ông, ngay sau tuyên bố khởi kiện, đại diện Lazada qua nhiều kênh, đã liên lạc với First News để hỏi vì sao không cảnh báo bằng văn bản mà đã khởi kiện ngay sau khi lập vi bằng, không cho Lazada một cơ hội sửa sai và xin sắp xếp một cuộc gặp - nhưng First News khẳng định chỉ gặp cấp cao nhất phụ trách, quản lý Lazada ở Việt Nam vào một thời điểm khi Tòa án thụ lý hồ sơ khởi kiện.

Theo ông, First News làm điều này vì trong suốt hơn hai năm qua, First News cùng hàng trăm bài báo, chương trình truyền hình đã chỉ đích danh Lazada trực tiếp, gián tiếp tiêu thụ hàng giả, sách giả của First News - Trí Việt với quy mô tần suất lớn, liên tục mà không hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ Lazada.

Theo đại diện của First News, dù đã gửi đi văn bản cảnh báo, thay vì có hành động ngăn chặn, tất cả các gian hàng trên Lazada càng tiếp tục đẩy mạnh việc bán sách giả của First News - Trí Việt và các nhà xuất bản khác. Ngoài ra, Lazada cũng không công bố tính danh các gian hàng thuê trên Lazada đang vi phạm pháp luật như yêu cầu của First News.

Đại diện First News khẳng định việc sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả không chỉ vi phạm Luật Bản quyền, Công ước Berne, Luật Xuất bản Việt Nam mà còn vi phạm quy định của Luật hình sự về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả - được quy định cụ thể tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII ban hành vào ngày 27-11-2015. First News đang chuẩn bị những thủ tục liên quan, sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng và sẵn sàng theo đuổi vụ án tại Tòa hình sự.

Vân Ly

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhiều người Việt mua hàng online qua đề xuất của AI

0
(SGTT) - Có đến 88% người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á gồm cả người Việt Nam đưa ra quyết định mua...

Kết nối