(SGTT) - Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lao động người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đem về cho đất nước khoảng 3,5-4 tỉ đô la Mỹ/năm. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội ngày 8-11, bộ đề ra một số giải pháp để lực lượng này tiếp tục phát triển và đem lại những kết quả tích cực như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm…
- Để xuất khẩu lao động không chỉ là đi… bán sức
- Nhật Bản mở cánh cửa cư trú vĩnh viễn cho lao động nước ngoài
Ghi nhận từ phần trả lời câu hỏi của đại biểu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 120.000-143.000 người lao động sang nước ngoài làm việc. Năm nay, cả nước đang có 112.000 người tham gia xuất khẩu lao động. Thị trường Nhật Bản đang tiếp nhận nhiều lao động nhất với 55.000 người, tiếp theo là Đài Loan với 30.000 người.
Mỗi năm, lực lượng lao động này mang về cho đất nước khoảng 3,5-4 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp để lực lượng này sẽ tiếp tục phát triển và đem lại những kết quả tích cực như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm… Cùng với đó, bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Đơn cử như trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp, vừa giúp người lao động có việc làm, vừa phát huy được kinh nghiệm.
Một số giải pháp cũng được đề cập đến là tạo điều kiện cho nhóm người đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước. Ngoài ra, bộ cũng đang phối hợp với các đơn vị để cân đối thị trường lao động, nếu nhu cầu lao động trong nước tăng thì bộ sẽ giảm tỷ lệ xuất khẩu lao động.
Trúc Đào