Thị trường lao động cả nước quý 3 có các dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, quy mô lực lượng lao động tăng cao. Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong 9 tháng qua của người lao động đạt mức 6,6 triệu đồng. Trong đó, TPHCM có mức thu nhập bình quân quí 3-2022 tăng 60,3%.
- Hai ngành lao động và du lịch cùng tìm ‘lời giải’ nâng cao chất lượng nhân sự du lịch
- Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng, nỗ lực giữ chân người lao động
- Lao động phi chính thức chịu thiệt thòi, hơn 97% không được đóng bảo hiểm xã hội
So với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn. Mức thu nhập bình quân của người lao động quí 3-2022 tăng 14,5% (tương ứng tăng khoảng 854.000 đồng).
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng đầu năm 2022 là gần 1,08 triệu người (giảm 251.000 người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35% (giảm 0,64 điểm phần trăm). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng năm 2022 là 7,86%, giảm 0,04 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,65%, giảm 1,14 điểm phần trăm.
Thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả 6 vùng kinh tế – xã hội. Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người (tăng 255.200 người so với quí trước, tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới. Tuy nhiên sự tăng lên chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước); ở nam giới là 26,8 triệu người (tăng 806.900 người so với cùng kỳ năm trước).
Cũng theo đơn vị này, quí 3-2022 vẫn tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên nhân do lao động không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Cụ thể, số lao động này là khoảng 511.000 người trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ là 372.000 người (chiếm 72,8%); lao động có tay nghề là 139.000 người (chiếm 27,2%).
Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng (tăng 727.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, lao động làm việc tại TPHCM có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất, đạt 9,2 triệu đồng (tương đương mức tăng 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái).
So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng (tăng 31,9%, tương ứng tăng khoảng 1,9 triệu đồng); lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng (tăng 29,4%, tăng tương ứng khoảng 1,8 triệu đồng); lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,9 triệu đồng (tăng 16,6%, tăng tương ứng khoảng 558.000 đồng).
Bên cạnh đó, quí 3 cũng ghi nhận một số tỉnh có thu nhập bình quân của người lao động tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Quảng Nam đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 440.000 đồng); Thừa Thiên – Huế đạt 6 triệu đồng (tăng 338.000 đồng); Hà Nội đạt 9 triệu đồng (tăng 278.000 đồng).
T.H
Theo Tổng cục Thống kê, TTXVN, KTSGO