(SGTT) - Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về phía Tây Nam, làng Thủy Xuân vẫn còn lưu giữ và phát triển nghề làm nhang trầm nức tiếng hàng trăm năm nay.
Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, làng làm nhang Thủy Xuân - lớn nhất xứ Huế - cùng tuyến đường tham quan Lăng Tự Đức, Đồi Vọng Cảnh… khá thuận lợi để du khách ghé ngang qua tìm hiểu các công đoạn làm nhang thủ công.
Đến với làng nhang, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những bó “hoa” nhang đang xòe bung với nhiều sắc màu rực rỡ và mùi nhang trầm thơm ngát khắp phố phường. Đặc biệt, khi đến nơi này, du khách còn được tự tay mình trải nghiệm làm thử tăm nhang.
Chị Đỗ Mỹ Ly, du khách tham quan chia sẻ, mới đầu cũng định thử làm cho biết nhưng càng làm càng thích. Nhất là khi thấy sản phẩm tự tay mình làm ra dần hình thành, ngày càng hoàn thiện hơn thì cảm thấy rất vui.
“Cô chú ở đây chỉ bày tận tình”, Ly vui vẻ chia sẻ. Điều đặc biệt, ở đây du khách không bị chèo kéo mua nhang hoặc quà lưu niệm.
Theo những cụ cao niên trong làng, nghề làm nhang ở Thủy Xuân đã có từ thời triều Nguyễn hàng trăm năm trước. “Thuở đó, làng này cung cấp nhang cho triều đình, các phủ quan lại và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân, Huế sử dụng”, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, một trong những hộ gia đình làm nhang ở Thủy Xuân, cho biết. Qua nhiều thế hệ, ngôi làng xinh đẹp phủ đầy cây xanh ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh. Bên “dòng sông nhang” thơ mộng giữa dãy phố độc đáo luôn hấp dẫn du khách ghé về tham quan.
Cũng theo bà Tuyết, làng nhang Thủy Xuân không chỉ độc đáo bởi sắc màu mà còn bởi mùi hương tinh tế của “chất” nhang nơi này. Bà con đã tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu để tạo nên mùi thơm của nhang hoàn thiện cho sản phẩm được độc đáo. Công thức pha trộn các hương liệu cũng góp phần tạo nên nét riêng không lẫn vào đâu của dòng nhang trầm xứ này.
Chú trọng việc tuyển chọn nguyên liệu trầm rồi trộn theo tỷ lệ gia truyền như quế chi, hoa hồi, nụ tùng, đinh nhang, thảo quả… Cùng với đó còn phải kèm theo tỷ lệ định sẳn với bột vỏ quả bưởi rừng cùng hoa bưởi khô, quế, bạch đàn... để tạo nên mùi nhang đặc trưng xứ Huế khi hoàn thiện sản phẩm.
Chọn tre để chẻ tăm nhang cũng khá cầu kỳ, không phải tre nào cũng làm được. Tre phải là loại già lấy từ rừng Phong Sơn, Nam Đông hoặc Bình Điền. “Công đoạn chẻ lõi cũng yêu cầu sự điêu luyện, dứt khoát và khéo léo của người thợ mới làm ra được từng loại chân nhang theo đúng kích cỡ vừa ý”, ông Hoàng Chí Hoành cho biết thêm.
Công phu là thế nên giá của nhang trầm ở đây khá chênh lệch so với loại nhang thông thường, bởi được làm từ trầm rừng tự nhiên, giá nguyên liệu đã rất cao. Cây nhang thành phẩm giá trung bình 8.000 - 10.000 đồng/cây, gần bằng giá một bó nhang loại thường.
Những người làm nhang ở đây cho biết thêm, ngày xưa chỉ làm ra hai loại nhang: màu nâu và đỏ. Giờ đây, theo thị hiếu du khách, nhang được làm nhiều màu sắc phong phú hơn, nhìn hấp dẫn hơn.
Đến tham quan làng nhang Thủy Xuân, du khách được trải nghiệm các công đoạn làm nhang trầm bằng thủ công từ việc se nhang hay học cách làm nên một cây nhang, để biết được mình khéo léo đến nhường nào.
Du Yên