Thuỳ Dung-
Nghề gỗ truyền thống đã mang lại thu nhập và sự thịnh vượng một thời cho các làng nghề nổi tiếng. Thế nhưng hiện nay trong quá trình hội nhập, nhiều quy định đã thay đổi buộc làng nghề gỗ cũng phải thay đổi theo nếu muốn duy trì và phát triển.
Nguồn gốc gỗ nguyên liệu
Ở khu chợ gỗ nguyên liệu nhỏ tại làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh nhiều người dân buôn bán đủ các thanh gỗ quý như hương, trắc, cẩm lai... Khách hàng tại chợ này chủ yếu là các thợ mộc từ các làng nghề, những người tìm mua các thanh gỗ về đóng theo đơn hàng như bàn, ghế, tủ, giường.
Một người bán hàng tên Hương cho biết, giá các thanh gỗ này khá đắt, vài triệu đồng/thanh, nên để hoàn thành một bộ bàn ghế bằng gỗ quý có khi giá cả lên đến cả trăm triệu đồng. Khi được hỏi về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, chị Hương nói: “chúng tôi mua của thương lái, cũng không biết gỗ có nguồn gốc ở đâu, không có hoá đơn, tất cả đều là thoả thuận miệng".
Dọc con phố chính của làng nghề Đồng Kỵ có nhiều cửa hàng lớn trưng bày sản phẩm điêu khắc, hoa văn chạm trổ kỳ công. Ông Tuấn, 50 tuổi, chủ một cửa hàng nằm trên con đường này, cho hay các sản phẩm gỗ ở đây đều có giá hàng chục triệu đồng, có những sản phẩm hàng trăm triệu đồng nếu được làm bằng gỗ quý. Điểm đặc biệt là gỗ làng nghề càng để lâu càng có giá vì giờ mua nguyên liệu gỗ quý rất khó. Cũng giống như nhiều nơi, nhiều sản phẩm gỗ trưng bày tại đây không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Theo điều tra của Tổ chức Forest Trends, gỗ sử dụng ở các làng nghề của Việt Nam tương đối đa dạng, bao gồm các nhóm làng nghề sử dụng các loại gỗ quý, có nguồn gốc nhập khẩu từ Campuchia, Lào, châu Phi như hương, gỗ đỏ, cẩm lai để chế biến các sản phẩm giả cổ, phục vụ thị trường trong nước, một phần xuất khẩu sang các thị trường lân cận, chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, có các nhóm làng nghề sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu như gỗ sồi nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, các nguồn gỗ rừng trồng, các loại ván… dùng chế biến các sản phẩm mang tính hiện đại, phục vụ thị trường nội địa. Nhìn chung, nhiều làng nghề đang sử dụng nguồn gỗ có độ rủi ro tương đối cao về tính pháp lý.
Vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) sau hơn sáu năm đàm phán. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường EU rộng lớn. Nhưng để có được cơ hội đó, Việt Nam cũng phải thay đổi một loạt các quy định và giám sát trong nước, phải xây dựng được Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS). Khi đó, không chỉ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang các nước mà ngay cả gỗ tiêu thụ nội địa cũng phải đảm bảo tính hợp pháp.
Bên cạnh đó, tính hợp pháp này không chỉ đơn thuần là nguồn gỗ nguyên liệu như gỗ phải được khai thác một cách hợp pháp, vận chuyển, chế biến, mua bán hợp pháp mà còn về các khía cạnh như nơi sản xuất cần phải đăng ký sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Forest Trends, nhiều hộ gia đình tại các làng nghề hiện nay chưa thực hiện các quy định này. Nếu VPA FLEGT được thực hiện một cách nghiêm túc, các hộ gia đình tại làng nghề gỗ truyền thống sẽ bị tác động lớn.
Một trong những vấn đề các làng nghề gỗ truyền thống phải đối mặt trong quá trình hội nhập là quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Ảnh: Thùy Dung
Làng nghề sẽ ra sao?
Theo quy định, việc thực hiện VPA FLEGT đòi hỏi các hộ kinh doanh phải có bằng chứng pháp lý rõ ràng đối với tất cả các giao dịch mua bán. Các bằng chứng này có thể là các hóa đơn mua bán sản phẩm, các bằng chứng về chi trả của hộ gia đình đối với các loại thuế, phí và lệ phí… Tuy nhiên, hiện nay các giao dịch giữa người sản xuất và người mua hàng hầu như không có các bằng chứng này, lý do chính bởi người mua hàng không đòi hỏi các bằng chứng về hóa đơn chứng từ. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa được tiếp cận với các thông tin yêu cầu họ cần phải tuân thủ theo các yêu cầu cụ thể này.
Một ví dụ khác, các quy định hiện nay yêu cầu hộ kinh doanh khi thuê lao động trên ba tháng phải có hợp đồng đối với người lao động, và cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đi thuê lao động, chẳng hạn như trách nhiệm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, hầu hết lao động thuê tại các làng nghề hiện nay là lao động không có hợp đồng, hay sử dụng lao động là trẻ em trong gia đình.
Theo ông Phúc, hiện Chính phủ chưa đưa ra các quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, thời gian tới cần đưa ra lộ trình phù hợp để các hộ kinh doanh thực hiện thay đổi về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là lộ trình này cần phải phù hợp với bối cảnh của các hộ gia đình tại làng nghề Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán kỹ thuật Hiệp định VPA FLEGT giữa Việt Nam và EU, cho rằng ngay từ bây giờ, các hộ làng nghề cần phải dần chuyển sang sử dụng gỗ hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng để thích ứng với những quy định mới.
Theo ông Hà, từ nay tới khi VNTLAS xây dựng được, ước tính khoảng 3-4 năm nữa, những sản phẩm gỗ bất hợp pháp, không có nguồn gốc rõ ràng sẽ bị tịch thu, kể cả gỗ sản xuất để tiêu thụ trong nước. Để hỗ trợ cho làng nghề, sắp tới Chính phủ sẽ có chính sách tuyên truyền và hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các làng nghề trong thời kỳ hội nhập.