Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Láng giềng chiều thẳng đứng

 Hồng Phúc -

Quan hệ hàng xóm láng giềng ở nhiều đô thị đã và đang thay đổi. Ngày xưa xóm giềng giao tiếp trên cùng mặt phẳng, theo bề ngang trong xóm, ngõ. Nay chiều tương tác chuyển theo hàng dọc, từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Đó là không gian sống trong những chung cư.

7__langgieng-dad1

Đã có thời người ta gọi là “chúng cư” chứ không phải là “chung cư” như bây giờ, có lẽ nhiều người hiểu theo nghĩa chung nhau một nơi sinh sống. Cái nhà xây cao cả chục tầng, có đến cả trăm căn hộ với hàng trăm gia đình cùng sống liền vách nhau, hít thở chung một bầu không khí, không là chung thì riêng với ai?

Một thời gian dài người ta còn “oán trách” văn hóa chung cư đang giết chết tình làng nghĩa xóm, làm suy giảm sự sẻ chia lúc tắt lửa tối đèn có nhau, bớt xén đi cái tình tương thân tương ái của người Việt. Có người lên ti vi lên án cuộc sống chung cư: đi về thì đóng cửa cái rầm, ở nhà cả ngày không ai biết mặt ai, người với người mà lạnh lùng không chào hỏi giao tiếp, ở cạnh nhà nhau không biết nhà bên ấy làm nghề gì, tên là gì…

Bố mẹ của bạn tôi, hai ông bà gần 70 tuổi, ở quê lên Hà Nội chăm cháu cho con dâu mới đẻ. Ở được một tuần, bà xách túi đi ra bến xe về quê vì “tao không chịu nổi cảnh cầm tù. Cả ngày chỉ nói chuyện với cái ti vi”. Ở quê ngày nào bà cũng phải đi một vòng hàng xóm trò chuyện, từ chuyện thời tiết với gió mùa đông bắc sắp về đến chuyện trồng dưa, nuôi vịt. Sống ở đây bà thấy tù túng nên nhất nhất đòi về.

Vợ chồng bạn tôi thuyết phục: bố mẹ cố gắng ở đây với con, thích ăn gì thì con mua, muốn đi đâu con đưa đi. Muốn tập dưỡng sinh thì ra công viên, lúc nào buồn thì đi xuống siêu thị dưới nhà, nơi vừa mát vừa sạch vừa thơm. Thích thì bố mẹ đọc sách, lên mạng, xem ti vi chứ sang nhà hàng xóm gợi người ta “buôn chuyện” thành ra mình là người nhiều chuyện, hay ho gì có khi còn vạ miệng! Bà giận lắm, nói to tiếng “tao đẻ ra chúng mày, cả đời tao sống và làm việc quanh cái làng ấy nuôi chúng mày có ngày hôm nay mà chúng mà dạy khôn tao”. Trong cơn giận, ông bà bảo một là đưa cháu về quê ông bà chăm, hai là ông bà thay phiên nhau mỗi người lên sống một tuần. “Nếu không, tao bán miếng đất ở quê đi, cho chúng mày mua cái nhà dưới đất xung quanh có hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn còn có nhau, con cái nó còn có bạn. Chứ ở đây ra bảo vệ, vào bảo vệ, lại còn camera theo dõi, ở tù thế này chúng tao nhọc lắm”, bà nói.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện trong gia đình, nơi nhiều người đang đi tìm sự hòa hợp về lối sống giữa hai thế hệ. Nhưng ai quy kết mấy tòa nhà chung cư giết chết tình làng xóm e rằng hơi vội. Vì có trải nghiệm mới thấy chung cư hay xóm ngõ không phải là cái cớ quyết định chuyện văn hóa xóm giềng.

Láng giềng “chiều thẳng đứng” khác với láng giềng thông thường xưa nay ta vẫn biết. Ở chung cư, người ta sống… chồng lên nhau, theo đúng nghĩa đen nhà này chồng lên nhà kia. Họ liên kết với nhau theo chiều dọc thay vì theo chiều ngang. Họ kết nối với nhau cũng theo chiều không gian khác lạ thay vì cùng con ngõ, chung một lối đi. Này nhé, nhà trên tưới cây, xả nước mà chảy xuống ban công, hàng lang nhà dưới là nhà dưới leo lên gặp nhau liền. Hay nhà trên kéo lê bàn ghế gây tiếng ồn, nhảy nhót, mở nhạc, giậm chân kiểu gì cũng có nhà dưới lên hỏi han. Nước thấm từ tường nhà này sang nhà kia, từ nhà trên xuống nhà ở tầng dưới, hay nhà này sơn sửa, động đến sự tĩnh lặng của nhà bên, nhất là nhà bên có trẻ em người già, ắt hẳn sẽ gặp nhau để nói chuyện.

Nhưng láng giềng thẳng đứng không phải chỉ gặp nhau để dàn xếp những bất đồng, cũng không phải là những người hờ hững, lạnh lùng trong giao thiệp thân tình. Họ vẫn giao du theo kiểu của họ. Này nhé, chỗ hay “sinh hoạt cộng đồng” nhất là thang máy hay hầm gửi xe của chung cư và… nơi đổ rác. Sao hôm nay đi làm trễ thế? Hôm nay mặc đẹp nha, đi về trễ thế? Đi chợ về à, ăn thế này thôi à? Lại tennis hả, chịu khó ghê ta. À tháng này tiền nước nhà em tăng ghê quá, nhà chị có bị nhảy hóa đơn không?… 1001 đề tài không tả hết.

Câu chuyện trong thang máy cũng muôn hình vạn trạng: Hôm nay đi học thế nào? Vui ạ. Vui thế nào? Chuyện lạ Việt Nam, lớp trưởng làm bài sai hết. Ôi sao lại thế? Cô giáo rất bực bội, cô hét rung cả cửa kiếng. Ngày mai bọn con sẽ trật tự để cô cười. Ngày mai tụi con hẹn nhau thi cuộc thi gấp pháo giấy với các đàn em nhóm Ninja rùa… Con chào cô con dzìa! Vẫy tay chào thằng bé trong tiếc nuối, tôi nghĩ lúc còn trẻ, người ta thường không nghi ngờ và ngại ngùng gì cả. Còn tuổi già đôi khi sợ cả việc đặt ra những giấc mơ, hay việc tin vào nhau và mỉm cười với một người xa lạ… Đang nghĩ miên man thì thang máy lại dừng ở lầu nhà mình, tôi gật đầu chào mấy người còn lại, bye bye nhé... Vậy đấy, trong thang máy chẳng có câu chuyện nào đến đầu đến cuối, nhưng nó vẫn cho mình cảm giác nhẹ nhõm khi trở về nhà sau một ngày đi làm, đi học, đầu óc bớt đi vấn vương đủ thứ chuyện trên đời.

Láng giềng chung cư ai bảo không chia sẻ. Chia sẻ chứ. Hai, ba nhà cùng chia chung mạng wireless để tiết kiệm chi phí, xài chung một modem, một account mỗi tháng giảm được tới 1/3 số tiền. Tôi nhớ một bộ phim Mỹ chiếu hình ảnh mắt cắt ngang của một chung cư vào buổi tối, giờ cao điểm trong sinh hoạt chung của các gia đình. Cả trăm căn hộ mỗi nhà mỗi vẻ. Nhà thì ăn tối, nhà thì đang chơi thể thao, nhà coi ti vi đọc báo, nhà thì cha mẹ vật lộn với con, nhà vẫn mỗi người ngồi một bàn làm việc, nhà thì âu yếm tình cảm, nhà thì đang ngủ, nhà thì vợ chồng đánh lộn quăng đồ đạc tùm lum… thật là muôn màu muôn vẻ. Ai xem phim không khỏi bật cười. Thế mới biết, trong mỗi góc nhà đều có vô vàn câu chuyện để kể. Con người ta nhìn bên ngoài không ai giống ai, mà kỳ thực những mưu cầu, ước muốn bên trong lại tương đồng với nhau lắm lắm.

Nói dông dài chuyện hàng xóm thời chung cư, thời công nghệ để thấy hàng xóm thời xưa, thời nay, trên trời hay dưới đất, dù có khác về bối cảnh, không gian tương tác, các thế hệ, song cái tình, cái nếp quan hệ người-người không dễ mất đi nếu người ta vẫn chân tình và sẵn sàng nở một nụ cười khi… bước vào thang máy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt 8 triệu tấn

0
(SGTT) - Việt Nam đã xuất khẩu thêm 293.484 tấn gạo trong nửa đầu tháng 11, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả...

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Hoàn thành “đại trùng tu” di tích Điện Thái Hòa –...

0
Trải qua hơn 3 năm “đại trùng tu”, Điện Thái Hòa - nơi Hoàng đế ngự ngai vàng - đã được hoàn thiện, sẵn...

Bừng sáng đêm giao lưu nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc...

0
Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tên “Hòa vọng khúc ca” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế...

Lợi ích của nước muối đối với làn da

0
(SGTT) - Nước muối không chỉ là một nguyên liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà còn mang đến nhiều lợi ích...

Rét đậm ở Bắc bộ từ 26-11, vùng núi có nơi...

0
(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm mai (26-11), ở Bắc bộ và bắc Trung bộ,...

Kết nối