Dịch vụ du lịch cộng đồng Làng chài Tân Thành của Hợp tác xã du lịch Làng chài Tân Thành (Hội An) được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) hạng 4 sao.
- Quảng Nam muốn tạm dừng nhiều hoạt động để “bảo vệ” năm Du lịch Quốc gia 2022
- Quảng Nam đăng cai năm Du lịch Quốc gia 2022, hướng đến du lịch xanh
Đây là một trong 73 sản phẩm của 65 chủ thể đạt chuẩn OCOP hạng 3 – 4 sao được công nhận trong năm 2021. Trong đó có 19 sản phẩm 4 sao (11 sản phẩm nâng cấp) và 54 sản phẩm 3 sao.
Các doanh nghiệp này đã nhận giấy chứng nhận tại Hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm tỉnh Quảng Nam năm 2021 diễn ra hôm 10-1.
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP (2018 – 2021), toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Trong đó, Dịch vụ du lịch cộng đồng Làng chài Tân Thành của Hợp tác xã du lịch Làng chài Tân Thành (Hội An) là sản phẩm về dịch vụ du lịch duy nhất được công nhận; trong khi hầu hết các thương hiệu OCOP đều là những sản phẩm đặc trưng của các làng nghề cũng như cơ sở sản xuất tại Quảng Nam.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam – đơn vị bảo trợ cho Dịch vụ du lịch cộng đồng Làng chài Tân Thành – cho hay có thể nói đây là lần đầu tiên chứng nhận OCOP dành cho một dịch vụ du lịch chứ không phải một sản phẩm hiện hữu như lâu nay. “Chúng tôi sẽ phát triển cộng đồng du lịch nơi đây hướng đến du lịch xanh, tuần hoàn rác thải, trở thành một điểm đến đặc biệt dành cho du khách”, ông Thanh chia sẻ.
Hai điểm nhấn chính của dịch vụ du lịch Làng chài Tân Thành là chợ phiên cuối tuần và trạm phân loại rác thải.
Cụ thể, cơ sở phục hồi tài nguyên là điểm tập kết các loại chất thải rắn được phân loại, bao gồm tất cả đồ nhựa, giấy, kim loại và chất thải nguy hại. Theo định kỳ, thành viên từ Green Youth Collective và Reform Plastic (hai đơn vị này chuyên thu gom và tái chế, sản xuất chất thải rắn thành các sản phẩm gia dụng) đến cơ sở này để thu gom và chuyển về cơ sở tái chế hiện được đặt tại trung tâm xử lý rác thải Hội An.
Trong khi đó, ra đời từ tháng 9 năm ngoái, chợ phiên họp thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, từ 8:00 đến 20:00 với tổng số người bán duy trì thường xuyên là 40 và tăng giảm tùy nhu cầu, hoạt động theo đúng tiêu chí xanh, sạch, thân thiện môi trường, có bản sắc, nhận diện riêng.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm tỉnh Quảng Nam năm 2021, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị thời gian tới việc thực hiện chương trình OCOP cần theo hướng vừa duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn, vừa tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm mới nhưng không nên chạy theo thành tích.
Nhân Tâm
Theo Kinh tế Sài Gòn Online