Ngọc Hùng-
TPHCM muốn trở thành trung tâm sản xuất cung cấp giống cây trồng cho các tỉnh thành khác. Nhiều người cho rằng, xét trên khía cạnh về nguồn lực so với các địa phương khác, thành phố có thể làm được điều này. Song, đây mới chỉ là ý tưởng trên lý thuyết, để điều này thành hiện thực còn nhiều chuyện phải làm.
Nhiều cơ hội
Ngày 14-9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi hội thảo Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.
Theo Sở NN&PTNT TPHCM, việc thành phố muốn trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực ngoài việc giúp phát huy lợi thế của nơi tâp trung các trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn của cả nước còn có một ý nghĩa khác nữa là giảm phụ thuộc vào giống nhập khẩu.
Theo số liệu của Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 500 triệu đô la Mỹ để mua giống từ các nước trong khu vực. Việc doanh nghiệp phải mua giống từ nước ngoài một phần là do nguồn sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Vì thế, xét trên khía cạnh kinh tế, đầu ra cho công tác nghiên cứu giống đã có, vấn đề còn lại là làm sao tạo ra những giống đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, trong bảy chương trình của thành phố không có chương trình nông nghiệp, nhưng đây là nơi có một triệu người gắn với nông nghiệp, vì thế thành phố sẽ quan tâm đến nông nghiệp. Thành phố không thể phát triển nông nghiệp theo hướng đại trà mà chọn những lợi thế làm mũi nhọn để phát triển.
Tuy nhiên, việc trở thành một trung tâm giống bắt buộc phải có đủ nguồn lực chất lượng cao để làm. Hiện nay, thành phố mới có ba trung tâm nghiên cứu về giống là Trung tâm công nghệ sinh học, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Dù những năm qua thành phố đã đầu tư nguồn lực tài chính cho những trung tâm này, nhưng theo Sở NN&PTNT TPHCM, để trở thành trung tâm sản xuất giống, thành phố cần nhiều hơn nữa.
Trước những khó khăn này, ông Thiện Nhân cho biết, để trở thành trung tâm giống, TPHCM không thể làm một mình mà phải tận dụng nguồn lực từ nhiều nơi. Ông đề nghị những cơ quan có liên quan sớm đăng ký với Bộ NN&PTNT để trở thành trung tâm giống.
“Khi chúng ta đăng ký trở thành trung tâm giống với Bộ NN&PTNT, những viện và trung tâm nghiên cứu giống trực thuộc bộ sẽ hỗ trợ cho thành phố. Có như vậy chúng ta mới tận dụng được nguồn nhân lực đóng trên địa bàn để phát triển các loại giống cây trồng cung cấp cho thị trường”, ông Nhân nói.
Với lợi thế về nguồn lực, TPHCM muốn trở thành trung tâm sản xuất cung cấp giống cây trồng cho các tỉnh thành khác. Ảnh: Ngọc Hùng
Còn nhiều việc phải làm
Theo giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chủ trương sản xuất giống đã bàn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được và nay lại tiếp tục bàn. Ông Bửu cho rằng, nếu phân tích về lợi thế so sánh, nguồn nhân lực thì về lý thuyết TPHCM có thể làm được. Tuy nhiên, lâu nay vẫn chưa làm được là do phương thức tiến hành.
Theo ông Bửu, nếu giao mọi việc cho doanh nghiệp hay Nhà nước một cách riêng lẻ thì không thể làm được. “Không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng chứng minh, muốn làm được thì phải làm theo hướng hợp tác công tư, mô hình mà Hàn Quốc, Thái Lan đang làm”, ông Bửu nói.
Ông Bửu cho biết, hiện tại, Thái Lan đang đứng đầu ASEAN, thứ 3 ở châu Á và 12 thế giới về xuất khẩu giống cây trồng. Lý do người Thái làm được điều này là nhờ có chính sách hợp tác công tư, mà ở đó Nhà nước và doanh nghiệp phát huy những lợi thế của mình trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và thương mại hóa.
Tuy nhiên, những gì ông Bửu chia sẻ ở trên là quan điểm của một người làm khoa học. Còn với các doanh nghiệp, họ lại thấy khó khăn để đầu tư vào sản xuất giống do thủ tục rờm rà, thiếu quỹ đất cho doanh nghiệp sản xuất giống.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ, cho biết một trong những điều làm nản lòng doanh nghiệp là chính sách đất đai nhiêu kê. Đơn cử, ba năm trước, ông tiến hành những thủ tục để đăng ký đất với chính quyền thành phố nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các cấp ban ngành.
Tương tự, ông Tô Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Trung Nông, cho biết để có đất sản xuất giống, công ty cần một diện tích lớn. Để làm được điều này, công ty đi thuê lại đất từ nông dân. Tuy nhiên, khó khăn của công ty là không thể thương lượng với tất cả nông dân để có một mảnh đất liền thửa.
“Mỗi năm công ty chúng tôi sản xuất 20 tấn hạt giống dưa hấu, đồng nghĩa với việc phải thuê đất của 20-60 hộ dân. Nhưng chúng tôi không thể thuê đất liền thửa từ nhiều nông dân, buộc phải thuê từ 5-6 điểm khác nhau. Điều này khiến công ty gặp khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực và quản lý”, ông Trung nói.
Vì thế, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, để trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực, TPHCM nếu chỉ dừng lại ở một mục tiêu thôi chưa đủ mà phải thay đổi nhiều thứ từ quản lý đến chính sách của chính quyền thành phố. Bằng không, mọi thứ sẽ chỉ dừng lại ở hai chữ “tiềm năng”.