Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân là không phải mua gạo, thóc, vàng dự phòng mà phải có tư duy tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình bày tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của cơ quan này hôm 24-12, diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494.000 người, gần gấp đôi so với năm 2019; khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao) - tăng gấp gần năm lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm gần 91% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị thì vượt gần 11%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn.
Năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (đưa tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng lên khoảng 3,2 triệu người); trên 897.000 người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng hơn 27% so với năm 2015); trên 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm ngoái, tăng hơn 91% so với năm 2015. Đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 167 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú, tăng hơn 28% so với năm 2015.
Theo Phó Thủ tướng, các tổ chức quốc tế khi biết đến kết quả này đều đánh giá rất cao, vì để diện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% trở lên thì quốc gia nào làm tốt nhất cũng mất 40 năm, có nước mất đến 70 năm. Việt Nam chỉ làm trong vòng 17 năm.
Chỉ hơn nửa năm, Bảo hiểm xã hội cùng với Bưu điện Việt Nam đã lấy được dữ liệu của hơn 90 triệu người dân, hình thành cơ sở dữ liệu đầu tiên về bảo hiểm xã hội, về con người. Việc làm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần giúp ngành công an vượt qua rất nhiều thủ tục để thúc đẩy dự án thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; còn tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội…
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân là không phải mua gạo, thóc, vàng dự phòng mà phải có tư duy tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo TTXVN