(SGTT) - Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh thực sự, ngành du lịch cần một chiến lược dài hạn cùng những giải pháp cụ thể và đồng bộ.
- ‘Khác biệt hóa’ sản phẩm du lịch để hút khách quốc tế
- Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 cao kỷ lục
- Ai cũng vui, chỉ khách bay nội địa là ‘khóc thét’
Theo Báo cáo Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2024 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp hạng 59 trong tổng số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 7 bậc so với năm 2022. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35) và Thái Lan (47).
Kết quả này phần nào phản ánh những thách thức mà ngành du lịch Việt Nam gặp phải trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia, đơn vị lữ hành cho rằng để cải thiện vị thế trên bảng xếp hạng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, du lịch Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố then chốt là phát huy thế mạnh bản địa, cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển đồng bộ hạ tầng – sản phẩm – nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách visa thông thoáng, linh hoạt cũng được xem là “chìa khóa” quan trọng giúp thu hút du khách quốc tế, từ đó tạo động lực cho ngành bứt phá trong thời gian tới.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam là tập trung vào lợi thế riêng có, thay vì chạy theo xu hướng chung một cách dàn trải. Với nền tảng văn hóa đặc sắc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và chiều sâu lịch sử, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển những dòng sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa – yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ trong khu vực.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Golden Smile Corporation, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng du lịch Việt Nam nên tập trung nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho các sản phẩm đã có. “Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là tài nguyên nhân văn bản địa, yếu tố quan trọng giúp du lịch phát triển bền vững”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, điều thu hút du khách quốc tế không chỉ là cảnh quan mà còn là khả năng chạm tới chiều sâu văn hóa. “Thiên nhiên đóng vai trò như một "dung môi", tạo điều kiện để văn hóa phát triển và trở thành điểm nhấn thu hút du khách”, ông Phương bày tỏ.
Ông Trần Trung Quảng, Tổng Quản lý Fleur de Lys Hotel Quy Nhơn, cho rằng trong lĩnh vực du lịch văn hóa, có thể nhân rộng mô hình trải nghiệm “sống trong di sản” thông qua các homestay cao cấp tại phố cổ Hội An, Huế, Hà Nội. Bên cạnh đó, việc tổ chức các lễ hội tái hiện lịch sử cũng là một cách hiệu quả để kể câu chuyện di sản theo hình thức sống động và hấp dẫn hơn.
Ở mảng du lịch sinh thái, Phó Tổng Giám đốc Du lịch Việt Phạm Anh Vũ, nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố cộng đồng và bản địa trong việc tạo nên giá trị khác biệt cho điểm đến. “Các mô hình như homestay, du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa di sản hay trải nghiệm đời sống nông nghiệp đang ngày càng thu hút du khách. Đặc biệt, mô hình du lịch gắn với nền văn minh lúa nước không chỉ tạo ra những trải nghiệm khác biệt mà còn giúp định vị sản phẩm du lịch Việt Nam trên bản đồ khu vực”, ông Vũ nói.

Một ví dụ từ Thái Lan là mô hình “One Tambon One Product” (mỗi xã một sản phẩm) kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Trong khi đó, Indonesia phát triển mạnh các làng du lịch (Desa Wisata), nơi cư dân địa phương là trung tâm của dịch vụ du lịch, đồng thời bảo tồn được đời sống văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan tự nhiên. Những mô hình này không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn mang lại cho du khách những trải nghiệm chân thực và sâu sắc, điều mà du lịch đại trà khó có thể đem lại.
Từ những nhận định trên, có thể thấy rằng nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam không chỉ là câu chuyện của hạ tầng hay marketing, mà sâu xa hơn là cách chúng ta nhận diện, phát huy và làm nổi bật bản sắc riêng – chạm tới cảm xúc du khách.

Du lịch tự túc đang trở thành xu hướng nổi bật hậu đại dịch. Google Trends ghi nhận lượng tìm kiếm liên quan tăng 761,1% trong năm 2023. Grand View Research dự báo phân khúc này sẽ tăng trưởng 14,3% mỗi năm giai đoạn 2025–2030. Theo Forbes, 76% thế hệ Millennials và Gen Z có kế hoạch du lịch một mình trong năm nay, cho thấy sức hút mạnh mẽ trong nhóm khách trẻ.

Sự gia tăng của nhóm khách trẻ, độc lập và chủ động cho thấy xu hướng tiêu dùng du lịch đang thay đổi, đồng thời cũng đặt ra thách thức cho chính sách thị thực. Đây được cho là nhóm nhạy cảm với sự bất tiện, đặc biệt là các thủ tục visa rườm rà. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách visa theo hướng thân thiện hơn như đơn giản hóa giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp quy trình trên nền tảng số... nhằm nâng cao sức cạnh tranh điểm đến.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc WorldTrans chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng cần đặt trải nghiệm thực tế của du khách làm trung tâm trong việc cải tiến visa. Ông đề xuất học hỏi Thái Lan trong việc đơn giản hóa giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ quy trình cấp thị thực, từ đăng ký, xét duyệt cho đến nhập cảnh.

Tại Việt Nam, các nỗ lực cải cách chính sách visa bước đầu đã ghi nhận tiến triển tích cực. Từ giữa tháng 8-2023, e-visa được mở rộng cho toàn bộ công dân các quốc gia và vùng lãnh thổ, thời hạn lưu trú tăng từ 30 lên 90 ngày, không giới hạn số lần nhập cảnh. Thời gian lưu trú cho công dân của 13 nước được miễn visa đơn phương cũng đã nâng lên 45 ngày – thay vì 15 ngày như trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những động thái này mới chỉ là bước khởi đầu. Hiện Việt Nam mới miễn visa cho công dân 25 quốc gia – một con số khá khiêm tốn so với Thái Lan (64), Malaysia (trên 150) hay Singapore (hơn 160 quốc gia).
Theo đó, ông Trần Trung Quảng, Tổng Quản lý khách sạn Fleur de Lys Quy Nhơn, nhấn mạnh việc mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường xa, giàu tiềm năng như châu Mỹ, Trung Đông và Đông Âu... là bước đi cần thiết để thu hút dòng khách chất lượng cao.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Visit Indochina, cho rằng Việt Nam nên có chính sách thị thực linh hoạt, hướng tới các phân khúc khách chất lượng cao như doanh nhân đến từ các nước G7, G20; chuyên gia, nhà khoa học; nghệ sĩ hay tỷ phú... Những đối tượng này không chỉ có khả năng chi tiêu lớn mà còn có sức lan tỏa truyền thông nếu họ có trải nghiệm tích cực tại Việt Nam.
Visa không chỉ là “giấy thông hành”, mà còn là điểm chạm – thậm chí là rào cản đầu tiên trong hành trình của du khách. Cải thiện thực chất chính sách thị thực sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và toàn cầu.
Trưởng phòng phát triển sản phẩm công ty du lịch Viet Lotus - ông Trần Huỳnh Nguyên cho rằng ngành du lịch Việt Nam vẫn thiếu một “người phát ngôn” để quảng bá du lịch.
Ông nhận định, các nền tảng quốc tế như Tripadvisor, Booking.com đang có ảnh hưởng lớn đến hành vi du khách, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống trực tuyến tương đương. Theo đó, đề xuất phát triển một cổng thông tin tập trung, cung cấp đầy đủ dữ liệu về điểm đến, giá cả, dịch vụ và đánh giá thực tế từ du khách.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trung Quảng – Tổng Quản lý khách sạn Fleur de Lys Quy Nhơn – nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong việc "cá nhân hóa" trải nghiệm và tiếp cận thị trường mục tiêu. Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp phân tích thói quen, nhu cầu của khách du lịch từ các thị trường khác nhau, từ đó xây dựng chiến dịch quảng bá phù hợp. Ngoài ra, chatbot và trợ lý ảo có thể cung cấp thông tin du lịch đa ngôn ngữ 24/7, trong khi công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng “trải nghiệm trước” điểm đến, từ đó tạo động lực đặt tour.
Ông Quảng cũng cho rằng truyền thông số là công cụ hiệu quả để gia tăng mức độ nhận diện hình ảnh du lịch Việt Nam. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube đang tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, đặc biệt thông qua những nội dung về văn hóa, ẩm thực, phong cảnh...
Các travel blogger nổi tiếng như Nas Daily hay Drew Binsky đã thực hiện nhiều video về Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt xem, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Đồng quan điểm với ông Nguyên, ông Quảng đề xuất Việt Nam nên học hỏi mô hình “siêu ứng dụng” du lịch từ Trung Quốc (Ctrip) và Hàn Quốc (Klook), tích hợp đầy đủ dịch vụ như đặt vé, khách sạn, tour, bản đồ, đánh giá… Đồng thời, cần mở rộng hệ thống thanh toán số và ứng dụng công nghệ dịch thuật tự động để cải thiện trải nghiệm cho du khách quốc tế.

Dưới góc nhìn thị trường, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Visit Indochina, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá du lịch. Ngân sách dành cho hoạt động này còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, trong khi phạm vi tiếp cận mới chỉ tập trung vào một số thị trường chính. Theo ông, để nâng cao vị thế du lịch Việt Nam, cần có mặt thường xuyên tại các hội chợ quốc tế, đặc biệt ở ít nhất 20 thị trường hàng đầu có lượng khách lớn đến Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Quang Trung, Giám đốc WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng) – nhấn mạnh rằng công nghệ chỉ là phương tiện, nội dung mới là yếu tố quyết định.
“Điều quan trọng nhất là truyền tải được hình ảnh một Việt Nam hấp dẫn, mến khách, an toàn và đáng trải nghiệm. Nếu nội dung đủ sức chạm đến cảm xúc người xem và được truyền thông qua công cụ phù hợp, hiệu quả quảng bá sẽ được nâng cao rõ rệt”, ông Trung nói.
Một yếu tố khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam là đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của du khách.
Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng), các cơ quan quản lý cần “siết chặt tiêu chuẩn xếp hạng sao của khách sạn, nâng cao giám sát chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo du khách nhận được giá trị xứng đáng với chi phí bỏ ra”. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là cách ngành du lịch thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng khách hàng.
Bên cạnh chất lượng dịch vụ, sự liên kết đồng bộ giữa các thành phần trong hệ sinh thái du lịch cũng đóng vai trò quyết định. Ông Trung cho rằng “Nhà nước cần đóng vai trò đầu mối trong việc liên kết các dịch vụ du lịch, xây dựng chính sách xúc tiến, phát triển sản phẩm hấp dẫn và chủ trì các chương trình quảng bá nhằm thu hút du khách quốc tế”. Ông cũng đề xuất cần thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào các sản phẩm đặc biệt, mang đẳng cấp quốc tế để “góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam”.

Từ thực tế phát triển tại nhiều điểm đến như Đà Nẵng hay Nha Trang, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Visit Indochina, lưu ý về nguy cơ phát triển ồ ạt dẫn đến dư thừa nguồn cung và suy giảm chất lượng. Ông cho rằng mỗi địa phương cần có chiến lược riêng, “tránh tình trạng bùng nổ khách sạn và khu nghỉ dưỡng mà không có sự kiểm soát”.
Theo ông Thủy, việc phát triển sản phẩm theo chủ đề từ thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực đến du lịch giáo dục, y tế, MICE hay tiệc cưới... cần đi kèm với hệ sinh thái dịch vụ tương ứng, đáp ứng đúng nhu cầu của từng phân khúc thị trường.
Đặc biệt, ông Thủy kêu gọi tư duy đột phá thay vì chạy theo lối mòn cạnh tranh “Thay vì lao vào ‘đại dương đỏ’ với áp lực cạnh tranh gay gắt, ngành du lịch Việt Nam cần tìm kiếm một ‘đại dương xanh’ mới để tạo lợi thế dài hạn”. Ông gợi ý đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như ẩm thực Hồi giáo, ẩm thực Ấn Độ, biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng hay không gian sáng tạo – những phân khúc còn bỏ ngỏ nhưng đầy triển vọng.