Công an TPHCM vừa khuyến cáo đến người dân về kiểu lừa mới trên mạng và hoạt động của một số website huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Theo Công an TPHCM, hiện nay, các đối tượng tội phạm lập ra các fanpage trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, với tên gọi là các công ty tài chính không có thật nhằm lừa đảo những người cần tiền gấp muốn vay vốn. Với những lời giới thiệu có cánh như thủ tục nhanh gọn, đơn giản, lãi suất thấp, không cần thế chấp, nhận tiền sau 1 giờ… khiến nhiều người tin thật liền liên hệ để vay.
Các đối tượng yêu cầu khách hàng chụp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai tiền điện hằng tháng rồi gửi qua Zalo. Sau đó, chúng yêu cầu người vay phải đóng tiền bảo hiểm rủi ro cho khoản vay là 550.000 đồng/trường hợp.
Khi người vay đồng ý theo các nội dung vay tiền, các đối tượng gửi cho họ bản hợp đồng tín dụng giả qua các công ty chuyển phát nhanh. Nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc với khách hàng.
Báo Công an nhân dân dẫn cảnh báo của Công an TPHCM về việc hiện nay trên không gian mạng có nhiều diễn đàn, mạng xã hội tổ chức quảng bá, kêu gọi người tham gia vào hoạt động của trang web Wefinex.net. Trang web này cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn, mỗi người chơi có từ 30 giây để thực hiện cá cược và chọn số tiền giao dịch.
Đặt lệnh tăng (xanh) hoặc giảm (đỏ) theo tỉ giá của BTC/USD tại thời điểm hiện tại, sau 30 giây tiếp theo sẽ có kết quả. Nếu dự đoán đúng thì người chơi sẽ được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó, cách chơi này tương tự như trò tài xỉu.
Để nhanh chóng mở rộng mạng lưới, Wefinex còn cho các thành viên tham gia bằng cách tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên hoạt động bán quyền đại lý với giá 100 đô la cho người tham gia. Tức là khi người tham gia bỏ ra 100 đô la mua, sẽ được hưởng các quyền lợi như hưởng hoa hồng giao dịch và hoa hồng từ việc bán quyền đại lý trong hệ thống của mình.
Hiện nay, các đối tượng tạo ra nhiều website với mô hình hoạt động và mô hình phát triển mạng lưới người tham gia tương tự như Wefinex, hay còn gọi là phiên bản nâng cấp (phiên bản 2), cụ thể như website raidenbo.com, bitono.io.
Trong khi đó, theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), mô hình hoạt động, phát triển mạng lưới và trả thưởng của Wefinex có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Cũng chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên Wefinex được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, người dân cần cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các website như wefinex.net, raidenbo.com, bitono.io.
Theo chinhphu.vn