(SGTT) - Tỉnh Đồng Tháp đã công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032, với kỳ vọng sẽ phát triển và thả ra tự nhiên 100 cá thể, trong đó, 50 cá thể có thể sinh sống ngoài tự nhiên. Đây là bước đi nhằm quảng bá, kêu gọi sự ủng hộ của các bên liên quan….
Liên quan việc đưa sếu trở về và phát triển ở Vườn quốc gia Tràm Chim, SGTT Online đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Phong, Phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim.
SGTT Online: Ngày 12-12, tỉnh Đồng Tháp đã công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn đến 2022-2032. Điều này có ý nghĩa ra sao, thưa ông?
Ông Bùi Thanh Phong: Trước đây, vùng đất Tam Nông (Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là nơi duy nhất ở Việt Nam sếu thiên nhiên ở các nước Đông Nam Á di cư về sinh sống.
Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó, sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim thưa dần qua từng năm, thậm chí có năm không xuất hiện. Điều này khiến cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và người dân băn khoăn, bởi loài chim quý hiếm này về mặt dân gian là biểu tượng tinh thần rất lớn đối với người dân.
Chính sự thưa vắng đó nên tỉnh đã quyết định xây dựng đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032.
Việc xây dựng đề án gặp rất nhiều khó khăn vì phải phối hợp với đối tác Thái Lan, trong đó, phải qua các bước thủ tục pháp lý rất phức tạp. Thế nhưng, với nỗ lực của nhiều cơ quan, bao gồm tổ chức, cá nhân, sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế…, cũng đã đạt được một số thoả thuận về pháp lý, mà cụ thể Thái Lan đã thông qua luật cho xuất khẩu sếu sang Việt Nam.
SGTT Online: Ông đề cập ở Vườn quốc gia Tràm Chim trước đây có rất nhiều sếu, nhưng gần đây lại thưa vắng. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Trên bình diện rộng, tức ở khu vực Đông Nam Á, theo Hội sếu quốc tế, số lượng cá thể trong tự nhiên đã giảm rất nhiều. Bởi lẽ, môi trường sống của sếu bị thu hẹp rất nhiều do quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp có sử dụng hoá chất, khiến sếu vô tình ăn vào, tích tụ lâu ngày làm suy giảm tuổi thọ. Trong khi đó, sếu về Tràm Chim là sếu ở Đông Nam Á, sinh sống và di cư từ Campuchia sang.
Một nguyên nhân nữa, đó là ở Vườn quốc gia Tràm Chim, ngày xưa khu vực vùng đệm có những cánh đồng rộng lớn còn hoang vu, với các loại lúa ma, năn kim và các loài bò sát, ếch nhái, cua, ốc - nguồn thức ăn dồi dào, trở thành nơi lý tưởng cho sếu về.
Tuy nhiên, những cánh đồng đó sau này được người dân cải tạo để sản xuất nông nghiệp, thành ra môi trường sinh sống cho sếu ở xung quanh Tràm Chim cũng bị thu hẹp dần.
Nguyên nhân kế đến là do biến đổi khí hậu và công tác bảo vệ, chống cháy rừng nên nước trong Vườn quốc gia Tràm Chim được giữ lại. Điều này, dẫn đến lúa mùa, năn kim bị suy thoái, nhất là củ năn kim - loại thức ăn rất ưa thích của sếu - diện tích cũng bị giảm, khiến sếu về thưa vắng dần.
SGTT Online: Như vậy, để đưa sếu trở về, đã có những bước chuẩn bị như thế nào rồi, thưa ông?
- Thứ nhất, tỉnh cho chủ trương và đã phê duyệt xong đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032. Trong đó, bao gồm hợp tác với Thái Lan để chuyển giao sếu từ quốc gia này về Việt Nam, tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển đàn để sau đó thả ra thiên nhiên.
Thứ hai, về phía Việt Nam, cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng chuồng trại, thiết bị, gửi cán bộ kỹ thuật tập huấn ở Thái Lan để chăm sóc, nuôi dưỡng sếu.
Thứ ba, bước rất quan trọng để sếu có thể tồn tại, phát triển lâu dài ở Tràm Chim, đó là môi trường xung quanh vùng đệm phải tốt, cho nên, đã khôi phục sản xuất lúa sinh thái và tiến tới lúa hữu cơ để tạo môi trường sống cho sếu. Hiện nay, 200 héc-ta lúa sinh thái đã được phát triển ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim, làm tiền đề để nhân rộng, tạo môi trường sinh sống rộng lớn và bền vững cho sếu trong tương lai.
SGTT Online: Được biết, tại Vườn quốc gia Tràm Chim cũng đã khôi phục lại môi trường cho cỏ năn kim phát triển, kết quả ra sao thưa ông?
-Từ năm 2023, Vườn quốc gia Tràm Chim đã tiến hành quản lý chế độ thuỷ văn theo khuyến cáo của các chuyên gia/nhà khoa học là “theo tự nhiên trước đây”, tức khi lũ về cho nước ngập khu đất ngập nước và khi lũ rút cũng cho nước rút theo.
Bước tiếp theo, vào mùa khô đã chủ động đốt lớp thực bì lâu năm để tạo điều kiện cho năn kim và mầm lúa ma phát triển trở lại. Đó là những việc đã thay đổi và trong năm 2024 này, có nhiều loài chim về sinh sống ở Tràm Chim, trong đó, có bốn cá thể sếu đã quay lại.
SGTT Online: Với tất cả những công việc đã chuẩn bị, ông kỳ vọng tương lai sẽ thế nào?
- Lãnh đạo tỉnh cũng như các ngành, các cấp đều mong muốn sớm chuyển giao được các cá thể sếu từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau đó, sẽ nhân đàn và thả ra môi trường tự nhiên để sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Việc sếu sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch đến tham quan. Điều này, sẽ tạo sinh kế cho người dân tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành du lịch.
SGTT Online: Cảm ơn ông đã trao đổi!
Theo đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, trong 5 năm, từ 2024-2028 Thái Lan sẽ chuyển giao cho Việt Nam khoảng 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi (15 con trống và 15 con mái), trong đó, mỗi năm chuyển giao bình quân 6 cá thể.
Theo đó, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng và cho sinh sản, tạo lập gia đình sếu. Sau đó, sẽ thả sếu ra tự nhiên đến khi số lượng đàn đủ lớn, điều kiện tự nhiên đảm bảo.