Thuỳ Dung -
Nhiều người cho rằng liên kết chuỗi là chuyện nên làm, nhưng phải được quy định chặt chẽ bằng pháp luật. Đây là một trong những giải pháp nhằm tìm đầu ra cho thịt heo cũng như giúp nông dân không bị thua thiệt trong chuỗi giá trị.
Heo ăn... sổ đỏ
Về xã Ngọc Lũ những ngày cuối tháng 11 mới thấy cảnh vắng lặng của vùng từng được coi là biểu tượng của sự phồn vinh của cả tỉnh Hà Nam. Kể từ khi giá heo giảm mạnh và kéo dài trong gần hơn một năm qua, nhiều gia đình thua lỗ và lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người trong số họ bỏ xã đi kiếm sống ở những nơi khác như Hà Nội, TPHCM. Một số người xin đi làm trong ngành xây dựng hoặc đi làm công nhân cho các khu công nghiệp. Giờ trong xã Ngọc Lũ chỉ còn những con heo “ăn kiêng" (do người dân không có tiền mua cám) và những chuồng heo bỏ hoang.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (34 tuổi) sống tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho hay, giá heo giảm khiến gia đình anh nợ nần chồng chất, tới nay đã lên hơn 300 triệu đồng. Trước đây hai vợ chồng anh nuôi trên 200 đầu heo nhưng nay thì mỗi người một nghề, người thì làm công nhân, người thì bốc vác, thu nhập bấp bênh lại còn phải dồn tiền trả nợ.
Ở xã Ngọc Lũ, nhiều hộ gia đình còn mất cả tỉ đồng tiền đầu tư chuồng trại, giờ không có tiền trả nợ ngân hàng nên nhà, đất cầm cố để vay ngân hàng cũng mất theo.
Hà Nam là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn bão giá heo vừa qua do chăn nuôi heo là một trong những ngành nông nghiệp chính của tỉnh. Cơn bão giá heo vừa qua được ví như “thảm hoạ" với tỉnh, đặc biệt là huyện Bình Lục. Chỉ tính riêng xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tổng đàn heo đã chiếm khoảng 20% nguồn cung khu vực phía Bắc.
Trước đây, đa phần người dân tại Bình Lục chăn nuôi heo, ngay cả cán bộ công chức cũng tranh thủ chăn nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Người dân thấy giá heo tăng, làm ăn có lãi nên liên tục tăng đàn, xây mới chuồng trại để tăng nguồn cung và chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng kể từ khi giá heo giảm, nhiều người lâm cảnh nợ nần, bỏ chuồng trại và di cư các tỉnh khác để kiếm việc làm. Điều này gây nhiều hệ luỵ về xã hội.
Hà Nam chỉ là một trong nhiều tỉnh trên cả nước chịu thiệt hại lớn từ cơn bão giá heo. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng một bài toàn làm sao để giảm những cú sốc đối với ngành chăn nuôi heo và giúp ngành này phát triển bền vững hơn.
Đi tìm giải pháp
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi hội thảo mang chủ đề “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị”, trong đó bàn tới giải pháp chăn nuôi bền vững hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, ngành chăn nuôi đã gặt hái được nhiều thành tích trong hơn 20 năm qua nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi heo lại rơi vào điểm nghẽn dư thừa nguồn cung như hồi đầu năm 2017. Nguyên nhân chính là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường.
Do vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi là rất quan trọng. Nếu không tổ chức nhanh thì tình trạng giải cứu sẽ lặp lại liên tục, hôm nay có thể là heo, ngày mai có thể là gà, bò.
Hiện nay, trên cả nước đã có một số mô hình chăn nuôi theo chuỗi như của CP, Dabaco, Thái Dương, Anh Huy,... nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng số đàn heo trên cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho rằng ngoài yếu kém trong tổ chức sản xuất, ngành chăn nuôi trong nước còn dễ tổn thương trong quá trình hội nhập khi Việt Nam đang đàm phán và tiến tới ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước. Khi đó, thịt trong nước còn bị cạnh tranh lớn bởi thịt nhập khẩu giá rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh.
“Do đó, liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém, giải quyết vấn đề cung cầu. Chưa kể đến việc, giải quyết được điểm nghẽn này, sẽ tạo ra trật tự mới cho ngành chăn nuôi”, ông Dương nói.
Ông Vinod Ahuja, chuyên giá chính sách của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết khủng hoảng giá với thịt heo đã gây ra hệ lụy lớn tới các nông hộ nhỏ lẻ. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua nông hộ nhỏ lẻ thì không bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Việt Nam đang ở ngã ba đường, Việt Nam đang muốn xuất khẩu chăn nuôi thì vấn đề bền vững là rất quan trọng.
Liên kết bằng chính sách
Song một số chuyên gia cho rằng, ngay cả khi liên kết chuỗi, phần thua thiệt vẫn thuộc về người chăn nuôi. Vấn đề quan trọng nằm ở chính sách, bởi nếu có chính sách tốt hơn, mọi thành viên trong chuỗi đều được chia sẻ. Nói cách khác, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi, đảm bảo lợi ích các bên là vấn đề then chốt trong giai đoạn tới.
Ông Vinod Ahuja cho rằng, quan trọng nhất phải có các quy định cụ thể về luật hợp đồng, cân nhắc các quy định bảo vệ người nông dân khi thị trường có nhiều khó khăn. Hơn nữa, người nông dân phải được tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, ra quyết định trong chuỗi sản xuất đó.
Chia sẻ về việc liên kết sản xuất bền vững, ông Hoàng Vũ Quang, đại diện của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết Công ty bò sữa Mộc Châu có quỹ bảo hiểm vật nuôi và quỹ bảo hiểm giá sữa cho nông dân. Mỗi lít sữa được bán ra sẽ được trích lại một khoản nhỏ để bảo hiểm. Hay hợp tác xã Tân Thông Hội (TPHCM) đã thay mặt các thành viên trong việc đàm phán mua nguyên liệu. Họ cũng mua sữa từ các thành viên với giá cao hơn để bán lại cho các công ty sữa.
Tuy nhiên, theo ông Quang, khi tham gia vào các chuỗi này, người dân buộc phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết bộ đang sửa chiến lược chăn nuôi theo hướng phát triển theo chuỗi. “Chúng ta hô khẩu hiệu chưa đủ, phải có chính sách hỗ trợ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn dắt nông hộ đi vào thị trường. Dựa trên các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi các chính sách, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn”, ông Dương nói.