(SGTTO) - Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt nên người dân bắt đầu có nhu cầu đi du lịch, giải trí trở lại. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay, ngành du lịch, lưu trú và hoạt động vui chơi, giải trí được phục hồi sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý cuối năm.
Sáng nay (21-10), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III và 9 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo này, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý 3-2020, đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung chín tháng đầu năm, GDP tăng 2,12%. Riêng khu vực dịch vụ trong chín tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước trong 10 năm gần đây.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2019, lạm phát bình quân chín tháng đầu năm 2020 ở mức 3,85% do giá dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm tăng.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý 3 là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt giúp hoạt động du lịch tại nhiều thành phố mở cửa trở lại, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động thương mại.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong quý 3 đạt 136.500 tỉ đồng, tăng 28,2% so với quý trước nhưng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4.600 tỉ đồng, tăng 161,3% so với quý trước và giảm 59,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách chỉ ra rằng, do dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề, đa số có mức tăng trưởng quý 2 âm so với cùng kỳ năm 2019. Nguy cơ đại dịch có thể bùng phát mạnh trở lại vào mùa thu và đông gây nhiều trở ngại cho nền sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2020 hoặc sang năm 2021.
Riêng đối với Việt Nam, VEPR cho rằng, với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020.
Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính của VEPR trong báo cáo trước đây, do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn ở miền Trung trong tháng Bảy làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch.
Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2%.
Khi đó, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa đến hết năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020.
Hậu quả kéo theo là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2%.
“Nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước trong quý 4, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”, đại diện VEPR thông tin.
Nam Bình