Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 14-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về việc đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
- Lo Covid-19 tái trỗi dậy vào dịp Tết, Trung Quốc phong tỏa 28 triệu dân
- Ngại dịch lan rộng, Thái Lan đưa 28 tỉnh vào “vùng đỏ”
Về nước dịp Tết khi có nhu cầu khẩn thiết
Theo đó, trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về phải được các bộ, ngành liên quan thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Người phát ngôn nêu rõ: "Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Việc đưa công dân về nước phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra trên thế giới, trong nước và năng lực cách ly ở trong nước".
Do chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan nhanh ở một số nước trên thế giới, vừa qua, ngày 5-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản yêu cầu hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về phải được các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo thông tin từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hiện có rất nhiều người Việt Nam đăng ký về nước từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết về nước, nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly ở trong nước".
Nhật Bản tạm ngừng chính sách nới lỏng nhập cảnh với Việt Nam
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, do đại dịch Covid-19, vào ngày 13-1, chính phủ nước này đã quyết định biện pháp quản lý biên giới mới; trong đó có chính sách liên quan đến người Việt Nam nhập cảnh, tái nhập cảnh vào Nhật Bản.
Kể từ 0:00 ngày 14-1 (giờ Nhật Bản) cho đến khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp được hủy bỏ, chính phủ nước này sẽ dừng áp dụng chế độ Residence Track và Business Track và không chấp nhận cho nhập cảnh mới đối với người nước ngoài sử dụng chế độ này.
Với những người có visa còn hiệu lực đã được cấp theo chế độ này, về nguyên tắc vẫn được nhập cảnh cho đến 0:00 ngày 21-1 tới nhưng không được áp dụng biện pháp nới lỏng cách ly 14 ngày khi nhập cảnh theo chế độ Business Track.
Liên quan đến việc tái nhập cảnh của người mang tư cách lưu trú, cũng từ ngày 14-1 cho đến khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp được hủy bỏ, không được nới lỏng cách ly 14 ngày khi tái nhập cảnh theo chế độ Business Track. Thêm vào đó, khách nước ngoài đến Nhật Bản sẽ phải cam kết không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong vòng 14 ngày sau khi tái nhập cảnh và phải cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong vòng 14 ngày. Cơ quan chức năng sẽ công khai tên, họ, quốc tịch cũng như sẽ hủy bỏ tư cách lưu trú và trục xuất về nước những người vi phạm.
Từ ngày 13-1, người Việt đến Nhật Bản phải nộp Giấy chứng nhận xét nghiệm virus SARS-CoV-2, được tiến hành xét nghiệm và cấp trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh Việt Nam. Trong trường hợp không thể nộp giấy chứng nhận xét nghiệm, hành khách sẽ phải cách ly chờ tại địa điểm do trưởng ban kiểm dịch chỉ định và xét nghiệm lại trong vòng 3 ngày sau khi nhập cảnh. Hành khách chỉ được rồi điểm cách ly này để về cách ly tại nhà nếu có kết quả âm tính.
Theo thông tin từ trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 13-1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 7 địa phương, nâng tổng số địa phương áp dụng Tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tăng cường biện pháp thắt chặt kiểm soát nhập cảnh phòng chống dịch Covid-19 lên 11 gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka, Hyogo, Kyoto, Gifu, Tochigi, Aichi và Fukuoka.
Theo TTXVN, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online