(SGTT) - Mô hình khu công nghiệp sinh thái đang được nhân rộng trước những yêu cầu chuyển đổi xanh ngày càng khắt khe. Khu công nghiệp sinh thái sẽ là khoản đầu tư hiệu quả cho nhà phát triển dự án có tầm nhìn dài hạn.
- Thiếu điện thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng xanh nơi các khu công nghiệp
- Băn khoăn hướng đi thu hút đầu tư ‘xanh’
Chuyển dịch tất yếu
Sau hơn 30 năm ra đời, khu công nghiệp theo mô hình truyền thống với một khu đất dành riêng cho phát triển công nghiệp theo một mô hình cụ thể dần lung lay vị thế. Nhà đầu tư ngày nay, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm nhiều hơn đến những mô hình khu công nghiệp khác đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, tích hợp tiện ích hay hoạt động thông minh hơn, theo nghiên cứu và phân tích của KPMG được ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc bộ phận Tư vấn thương vụ KPMG, chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 tổ chức gần đây. Đặc biệt, mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ là xu hướng của thế giới, được các khách hàng của KPMG quan tâm nhiều nhất.
Tại Việt Nam, khái niệm khu công nghiệp sinh thái được thể chế hóa lần đầu tại Nghị định 82/2018, được định nghĩa “là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất để cộng sinh công nghiệp”. Định nghĩa này vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay, với năm nhóm tiêu chí về quản lý khu công nghiệp, hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, cộng sinh công nghiệp, quy hoạch không gian hạ tầng và công trình xã hội.
Về mặt chủ trương, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Việt Nam đang tích cực chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang hướng sinh thái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng một số tổ chức quốc tế đã thí điểm chuyển đổi bốn khu công nghiệp (Khánh Phú, Gián Khẩu tại Ninh Bình, Hòa Khánh tại Đà Nẵng và Trà Nóc 1 và 2 tại Cần Thơ) sang hướng sinh thái và tiếp tục nhân rộng mô hình tại Hải Phòng, Đồng Nai và TPHCM. Chính phủ cũng khuyến khích việc mở các khu công nghiệp sinh thái mới, đặc biệt là dự án từ khu vực tư nhân, nằm ngoài khuôn khổ các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại diện KPMG, khung pháp lý cũng như quy chuẩn của mô hình này chưa rõ ràng gây khó khăn cho nhà đầu tư. Ông Kasahara Masayuki, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TPHCM, chia sẻ kinh nghiệm tại Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia mà tổ chức này hỗ trợ cho thấy, cần có sự phối hợp giữa chính phủ và đại diện khu công nghiệp để xây dựng bộ chỉ tiêu của khu công nghiệp sinh thái. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bộ/ngành, trong đó có cả Bộ Giao thông Vận tải làm về kết cấu hạ tầng… để cung cấp các giải pháp toàn diện. “Chúng ta cần hệ thống tích hợp để có một hệ thống quy định, hướng dẫn, kiểm định đơn vị có đạt tiêu chí khu công nghiệp sinh thái không, sau đó là biên bản chính thức để công nhận đạt khu công nghiệp sinh thái. Tôi cho rằng Việt Nam cần có quy định với một bộ tiêu chuẩn chung và cả cụ thể như vậy”, vị đại diện JICA nói.
Đầu tư khó nhưng hiệu quả cao
Khác với đầu tư khu công nghiệp truyền thống, nhà phát triển dự án bất động sản có thể thực hiện hạ tầng “cuốn chiếu” theo tiến độ và tỷ lệ khách thuê, nhà đầu tư khu công nghiệp sinh thái buộc phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xử lý chất thải và các tiện ích. Chi phí đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái lớn, nguy cơ rủi ro cao khi khả năng lấp đầy còn là một ẩn số, theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ – chủ đầu tư khu công nghiệp Phú Mỹ 3.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo đuổi mô hình khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản từ gần 10 năm trước. Ở thời điểm đó, đất trống dành cho công nghiệp còn rất nhiều, đầu tư dài hạn chi phí lớn là một ván bài mạo hiểm, nhưng lãnh đạo khu công nghiệp vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược dài hạn này. Khu công nghiệp này xác định thu hút các ngành nguyên vật liệu cơ bản, hóa chất thượng nguồn để cung cấp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau này là vùng Đông Nam bộ. Bà Nhi kể, đến năm 2017, nhà đầu tư Nhật Bản tìm đến – đây là đất nước đã phải trả giá đắt khi phát triển công nghiệp hóa chất vào những năm 1960 nên rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Đến nay, khu công nghiệp Phú Mỹ 3 thành công với 41 nhà đầu tư với số vốn 3 tỉ đô la Mỹ và vẫn giữ vững tiêu chí thu hút nhà đầu tư lớn.
Theo lãnh đạo Phú Mỹ 3, để phát triển khu công nghiệp mang tính bền vững, trước tiên, các đơn vị phải xem lợi thế địa phương rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Thu hút nhà đầu tư lớn là điều không đơn giản nên mình phải đồng hành cùng với họ ở từng bước. Thay vì chỉ cho thuê đất, các chủ đầu tư khu công nghiệp phải xác định mình là trung gian để hỗ trợ kết nối giữa nhà đầu tư với chính quyền, xử lý các vướng mắc tất cả các quá trình từ xin giấy phép cho tới chạy thử nghiệm và đi vào hoạt động sau đó. Có sự đồng hành ấy, các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao khu công nghiệp và chính các nhà đầu tư hiện hữu sẽ giúp tạo tiếng vang cho khu công nghiệp.
Giai đoạn thí điểm khu công nghiệp sinh thái đã qua, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tiếp tục nhân rộng mô hình. Ngoài việc thu hút nhiều hỗ trợ quốc tế về mặt vốn, khoa học công nghệ, bộ cũng sẽ liên kết với Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ lãi suất thấp cho nhà đầu tư hạ tầng muốn thực hiện đầu tư khu công nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh. Đây là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong giai đoạn này. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về mô hình khu công nghiệp thông minh – hiện đã được nhiều khu công nghiệp sinh thái ứng dụng – để thúc đẩy thêm phát triển bền vững kết hợp đổi mới sáng tạo.
Hoàng Minh