Hoàng Nhung
Tới thời điểm này đã có khoảng 20 bệnh viện trên cả nước cam kết không để bệnh nhân nằm chung giường. Vấn đề là những bệnh viện đã cam kết hiếm khi quá tải bệnh nhân, trong khi đó nhiều bệnh viện lại thường xuyên quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường, thậm chí có nơi người bệnh còn phải trải chiếu nằm dọc hành lang.
Trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố 13 bệnh viện tuyến Trung ương cam kết không còn bệnh nhân phải nằm giường ghép. Nhìn vào danh sách đó thấy có các bệnh viện Nhi Trung ương, Châm cứu Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế, E, Trung ương Thái Nguyên, Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Nhiệt đới Trung ương, Lão khoa, Da liễu Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Tâm thần Trung ương 1 và Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình).
Mới đây, có thêm sáu bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng cam kết đảm bảo một bệnh nhân một giường. Đó là các bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp, Răng hàm mặt, Tâm thần, Y học cổ truyền, Viện Tim, Viện Y dược học dân tộc. Còn những bệnh viện như Cấp cứu Trưng Vương, Nhân dân 115, Bình dân, Da liễu, Nhi đồng 2 cam kết bệnh nhân không nằm ghép sau nhập viện 24 giờ. Những bệnh viện như Nguyễn Trãi, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Truyền máu Huyết học đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép giường sau 48 giờ nhập viện.
Một số người bệnh đang khám tại các bệnh viện trên cho biết, mỗi người nằm một giường là ước mơ của họ, một phần là để không bị phiền hà, một phần là không muốn bị lây nhiễm bệnh lẫn nhau. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Viện Tim, Bình dân, Nhân dân Gia Định thấy vẫn còn nhiều bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường. Có thời điểm, Bệnh viện Nhi đồng 1 có tới 4-5 bệnh nhân nằm một giường.
Ngày 20-3 vừa qua, chị Nguyễn Hoài Thương đưa con đến khám bệnh tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, và con chị phải nằm chung giường với một bé khác. “Khi con gái phải nằm viện, không đủ giường, bác sĩ phải cho nằm chung hai bé/giường, tôi cũng khó chịu lắm. Tôi mong muốn con tôi được nằm một mình một giường cho thoải mái, nhưng không được. Chỉ còn cách là trải chiếu cho con nằm hành lang mới được nằm một mình”, chị Thương cho biết.
Vấn đề dư luận đang băn khoăn liệu cam kết này có khả thi khi trên thực tế, ở nhiều bệnh viện bệnh nhân đang phải nằm ghép 2-3 người/giường? Một số lãnh đạo bệnh viện cho rằng, trong số 20 bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép thì có tới 70% bệnh viện từ trước đến nay chưa bao giờ phải nằm chung nằm ghép. Chẳng hạn, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Lão khoa, Da liễu Trung ương, Tâm thần Trung ương 1 và Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp, Y học cổ truyền, Viện Y dược học dân tộc. Trong khi đó, các bệnh viện như Viện Tim, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2... thường xuyên trong tình trạng quá tải, có lúc bệnh nhân phải nằm 3-4 người/giường, nên việc ký cam kết là không thực tế.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết ngày 2-9 tới, bệnh viện sẽ thí điểm không nằm ghép tại một khoa nào đó và hạn chế tình trạng nhập viện để giảm tải. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng cho rằng, những bệnh viện như Viện Nhi Trung ương, Việt Đức sắp hoàn thành tòa nhà xây dựng mới dám cam kết thực hiện. Còn tại phía Nam, các bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 đều thiếu đất, thiếu cơ sở vật chất và bác sĩ nên rất khó thực hiện. Có chăng là đợi đến lúc Bệnh viện Nhi đồng thành phố khánh thành thì may ra mới giải quyết được vấn đề này.
Đại diện ban lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, việc cam kết không nằm ghép sẽ không khả thi, bởi bệnh viện sẽ chọn một, hai khoa không quá tải để đăng ký, hoặc kê thêm giường, hoặc cho bệnh nhân nằm phòng lưu bệnh, khu ngoại trú rồi hết ngày cho xuất viện. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh thì bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí nằm sang cả các khoa khác.
Vị lãnh đạo này còn nói vui “nếu vậy, chắc bệnh viện sẽ chọn Khoa Tâm lý, bởi khoa này ít bệnh nhân, thậm chí một người có thể nằm 2-3 giường!”. Trong khi đó, những khoa như Thận máu nội tiết, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 20-30 bệnh nhân phải lọc thận. Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, nhà nghèo phải cho con em nằm lưu trú trong bệnh viện, phải trải chiếu nằm hành lang để chạy thận ba lần một tuần.
BS Phan Văn Hoàng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bình dân, cho biết nhân viên y tế cũng mệt mỏi với tình trạng quá tải này, nhiều lúc gặp tình huống khó xử. Khi tiếp nhận bệnh nhân mà không cho nhập viện theo yêu cầu thì không được, lúc đó họ chưa nhập viện nên chưa tưởng tượng ra cảnh phải nằm chung, nằm ghép thế nào, đến khi nhập viện rồi mới té ngửa ra thì đã muộn.
Chẳng bệnh nhân nào muốn nằm chung giường với người khác, nên khi “nhét” thêm một bệnh nhân vào cái giường đã có một bệnh nhân khác nằm sẽ làm cho cả hai bực bội. “Đôi lúc, nhân viên y tế không biết giải quyết như thế nào cho hài hòa. Hơn nữa, phòng bệnh của bệnh viện công thì đâu phải phòng nào cũng có máy điều hòa, mát mẻ gì đâu. Trong những tháng nóng nực như thế này càng làm cho họ dễ bực mình, cau có”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Những người trong ngành cho rằng mục tiêu chống nằm ghép, hay quá tải của Bộ Y tế khó có thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Với nhiều bệnh viện, việc bắt họ thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép là điều không thể thực hiện.
Quá tải là đề tài từng được mổ xẻ nhiều lần, mà một trong những nguyên nhân là do phân tuyến bệnh viện như hiện nay. Điều đó làm cho năng lực của “tuyến dưới” khó phát triển được. Một khi bệnh nhân không tin tuyến dưới, người ta sẽ đi lên tuyến trên để khám, dẫn đến tình trạng quá tải như đang thấy tại các bệnh viện hiện nay.